Câu lạc bộ tình nguyện Hòa Bình Xanh Việt Nam


Xoay trục tới châu Á: Mỹ đang mất cân bằng

    dodieu
    dodieu
    Cấp 12
    Cấp 12
    Tên thật Tên thật : Đỗ Thị Diệu
    Đến từ Đến từ : Đại học sư phạm Thái Nguyên

    Xoay trục tới châu Á: Mỹ đang mất cân bằng Empty Xoay trục tới châu Á: Mỹ đang mất cân bằng

    Bài gửi by dodieu 16/2/2014, 15:33

    Những gì đang diễn ra ở châu Á không theo cách của Mỹ.

    Ngoại trưởng Mỹ Jonh Kerry đang công du tới một loạt nước ở khu vực châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE). Gần đây, chính quyền của Tổng thống Barrack Obama bị cho là đang "sao nhãng" châu Á, đặc biệt ông Kerry bị chỉ trích rằng vì quá bận tâm với những kiến tạo hòa bình ở Trung Đông mà lơ là chiến lược "xoay trục" hay "tái cân bằng" tới khu vực đang phát triển năng động nhất trên thế giới mà ông Obama từng công bố trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của mình. Do đó, thông qua chuyến công du này, giới chức Mỹ đang nhắc nhở thế giới thấy rằng, đây là chuyến đi thứ 5 của ông Kerry tới Đông Á và và Đông Nam Á trong vòng 12 tháng qua. 

    Xoay trục tới châu Á: Mỹ đang mất cân bằng 1-42d2e
    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Bắc Kinh ngày 14/2. Ảnh: THX/ TTXVN

    Tuy nhiên, với chuyến hành trình dài này, ngoại giao Mỹ ở châu Á có lẽ sẽ không cải thiện được là mấy. Quan hệ giữa Mỹ với cường quốc mới nổi - Trung Quốc – vẫn còn nhiều vấn đề bất đồng và khó có thể giải quyết một sớm một chiều; Washington không hài lòng về một số vấn đề quan trọng với Nhật Bản cũng như mối quan hệ giữa Tokyo và Seoul; trong khi những nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy ký kết một hiệp ước thương mại mới ở khu vực đã bị lỡ so với hạn định.

    Một vài nhà ngoại giao châu Á cho rằng sự quyết đoán hơn của Trung Quốc trong thời gian gần đây về những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ trong khu vực là do thái độ của Mỹ. Họ cho rằng ông Obama đã gửi đi tín hiệu sai lầm với việc không tham dự 2 hội nghị thượng đỉnh ở Đông Nam Á hồi tháng 10 năm ngoái do chính phủ Mỹ bị đóng cửa tạm thời. Vì vậy, các cuộc họp đã bị lu mờ bởi những căng thẳng trong khu vực, đặc biệt là nguy cơ về một sự cố trên không và trên biển xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc. 

    Trước đây, chính quyền Obama khẳng định rằng Mỹ sẽ không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền ở châu Á, nhưng nhấn mạnh rằng các bên tranh chấp không được đe dọa hay sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề. Gần đây, một loạt các bình luận của các quan chức cấp cao trong chính quyền Obama đã thay đổi. Thay vì sử dụng những ngôn từ trung lập như trước đây, Washington hiện đang ngày càng thách thức những đòi hỏi tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc, đặc biệt là liên quan đến tuyên bố “đường 9 đoạn” ở Biển Đông.

    Điều này được minh họa rõ nhất qua lời tuyên bố của ông Danny Russel, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương trước Quốc hội Mỹ: "Bất kỳ tuyên bố lãnh hải nào của Trung Quốc mà không dựa trên tuyên bố lãnh thổ đều không phù hợp với luật pháp quốc tế... Sự thiếu rõ ràng của các tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông đã tạo ra sự không chắc chắn trong khu vực, và đe dọa triển vọng đạt được nghị quyết hoặc các thỏa thuận hợp tác phát triển công bằng”. 

    Bên cạnh đó, ông Russel còn chỉ trích thẳng thắn những hành động cụ thể của Trung Quốc nhằm hạn chế quyền tiếp cận vào bãi Hoàng Nham và gây áp lực đối với sự hiện diện lâu dài của Philippines tại bãi ngầm Thomas 2 cùng với những quy định đánh bắt cá mới đây của tỉnh Hải Nam. “Chúng tôi cho rằng những hành động này đã gây căng thẳng trong khu vực và sâu sắc thêm mối quan ngại về mục tiêu chiến lược dài hạn của Trung Quốc”, ông Russel nhấn mạnh.

    Tuy nhiên, trước chuyến thăm châu Á của ông John Kerry, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry B. Harris Jr. đã đưa ra một tuyên bố mang tính báo hiệu. Ông cảnh báo tất cả các nước trong khu vực, bao gồm cả hai đồng minh trong liên minh quân sự là Nhật Bản và Hàn Quốc, không nên khiêu khích Trung Quốc.

    Xoay trục tới châu Á: Mỹ đang mất cân bằng 1-e4f55

    Mỹ cam kết sẽ hiện diện 60% lực lượng hải quân của mình tại châu Á.

    Rõ ràng, Mỹ đang “mất cân bằng" trong chính sách của mình tại châu Á. Mặc dù trong chặng dừng chân tại Bắc Kinh ngày 14/2, ông Kerry bày tỏ hy vọng Trung Quốc và ASEAN "nhanh chóng đạt tiến triển trong đàm phán về bộ quy tắc ứng xử... sẽ giúp giảm căng thẳng". Ông nói: "Chúng tôi khuyến khích các bên (không chỉ Trung Quốc) cùng nỗ lực nhằm tránh mọi hành vi khiêu khích và chấp nhận các công cụ pháp lý hiện có" và đã kêu gọi Trung Quốc "công khai, minh bạch" trong mọi hành động thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mới: "Chúng tôi đã kêu gọi những người bạn của mình ở Trung Quốc tôn trọng các tiêu chuẩn cao nhất về thông báo, can dự và chia sẻ thông tin. Chúng tôi đã thể hiện rõ ràng cảm nghĩ của mình về mọi tuyên bố đơn phương".

    Đối với Mỹ, những vấn đề đang diễn ra ở châu Á khiến Washington phải đau đầu trong bối cảnh nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc và Nhật đang lớn dần. Những ký ức lịch sử, chủ nghĩa dân tộc đang lớn mạnh và một cuộc đua tranh chiến lược dường như đã đẩy hai quốc gia tới bên bờ một cuộc xung đột tiềm tàng. Mỹ đã cử các quan chức cấp cao tới khu vực trong nỗ lực "dập lửa" ở cả Bắc Kinh lẫn Tokyo trong tháng 1 vừa qua. Tuy vậy, những nỗ lực này xem ra không thành công, sau khi Washington công khai cam kết bảo vệ Nhật trước các cuộc tấn công, kể cả những cuộc tấn công liên quan đến tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Cam kết này đã tạo cho Thủ tướng Shinzo Abe cái vỏ mà ông cần để thách thức Trung Quốc và trong khi cam kết rằng sẽ bảo vệ Nhật Bản, Mỹ vẫn không hài lòng với một số hành động của Tokyo ví dụ như "thất vọng" về chuyến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng 12 vừa qua. 

    Chiến lược của Mỹ trong khu vực cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi mối quan hệ lúc nóng lúc lạnh giữa hai đồng minh thân cận của mình là Nhật Bản và Hàn Quốc. Cuộc Chiến tranh thế giới thứ Hai hiện vẫn phủ bóng đen lên quan hệ giữa Nhật Bản với hai nước láng giềng là Hàn Quốc (và cả Trung Quốc). Quan hệ giữa các nước này hiện khá căng thẳng sau khi cuối tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tới thăm ngôi đền Yasukuni gây tranh cãi ở nước này. Đây là nơi thờ tự các binh sĩ Nhật Bản thiệt mạng trong chiến tranh, trong đó có 4 tội phạm chiến tranh hạng A trong Chiến tranh thế giới thứ Hai. Mỹ mới đây đã phải lên tiếng kêu gọi Hàn Quốc và Nhật Bản khép lại quá khứ, cùng hướng tới tương lai để cải thiện quan hệ song phương và hợp tác vì sự ổn định trong khu vực.

    Hiện chính quyền của Tổng thống Obama vẫn đang tìm cách thuyết phục châu Á rằng Mỹ vẫn cam kết xoay trục tới khu vực này thông qua những tuyên bố, những chuyến thăm con thoi của một số quan chức Mỹ; sự tái triển khai lực lượng quân sự khiêm tốn trong bối cảnh cắt giảm ngân sách cùng với một thỏa thuận thương mại đầy tham vọng liên quan đến Mỹ, Nhật Bản và 10 quốc gia khác (không có Trung Quốc), chiếm tới 1/3 thương mại toàn cầu: Thiết lập một khu vực thương mại tự do chung cho các nước đối tác trong khu vực châu Á Thái Bình Dương(TPP). 

    Tuy nhiên, vòng đàm phán gần đây nhất về TPP (vòng thứ 20) kéo dài 4 ngày tại Singapore trong tháng 12/2013 đã không đạt được kết quả như mong đợi. Dự kiến, nó sẽ được tiếp tục vào ngày 22/2 tới cũng tại Singapore. Hiện chính quyền của ông Barack Obama đang tìm cách để được tăng quyền hạn trong việc thúc đẩy các thỏa thuận thương mại với các nước trên thế giới, nhằm bảo đảm rằng các thỏa thuận thương mại trên sau khi được ký kết sẽ không có sự thay đổi khi trình lên Quốc hội phê chuẩn. Nhưng để Quốc hội Mỹ thông qua một cách nhanh chóng dường như là rất khó khăn. Mặc dù, những người ủng hộ TPP trong chính quyền Obama nói rằng họ đang nỗ lực nhưng không thể thuyết phục được nhiều người ở châu Á về những cam kết của Washington rằng: Mỹ thực sự vẫn là nước có vai trò hàng đầu trong khu vực. 

    Theo Dân Trí