Câu lạc bộ tình nguyện Hòa Bình Xanh Việt Nam


Ban Bí thư Trung ương Đoàn đối thoại với Bí thư Đoàn cơ sở xuất sắc toàn quốc 2013

    phamtuananh9x
    phamtuananh9x
    Admin
    Admin
    Tên thật Tên thật : Phạm Tuấn Anh
    Đến từ Đến từ : Hà Nội

    Ban Bí thư Trung ương Đoàn đối thoại với Bí thư Đoàn cơ sở xuất sắc toàn quốc 2013  Empty Ban Bí thư Trung ương Đoàn đối thoại với Bí thư Đoàn cơ sở xuất sắc toàn quốc 2013

    Bài gửi by phamtuananh9x 26/3/2013, 22:02

    Sáng ngày 25/3 tại Khách sạn Khăn Quàng Đỏ (Hà Nội), Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã tổ chức Đối thoại với Bí thư Đoàn cơ sở xuất sắc toàn quốc năm 2003. Đồng chí Phan Văn Mãi – Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam và đồng chí Đặng Quốc Toàn, Bí thư Trung ương Đoàn đã chủ trì buổi đối thoại.

    Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, đồng chí Đặng Quốc Toàn, Bí thư Trung ương Đoàn mong muốn các Bí thư Đoàn cơ sở sẽ nêu các vấn đề, những cách làm hay của đơn vị trong quá trình trao đổi với Ban Bí thư Trung ương Đoàn. Đồng chí nhấn mạnh, Ban Bí thư Trung ương Đoàn không kỳ vọng các vấn đề nêu ra sẽ được giải quyết ngay, nhưng những ý kiến trao đổi tại buổi đối thoại sẽ góp phần nêu bật những giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn sau này. Theo đó, các ý kiến trao đổi tại buổi Đối thoại cần tập trung vào các vấn đề công tác giáo dục của Đoàn, vai trò xung kích của đoàn viên tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội của địa phương; công tác quản lý đoàn viên, sinh hoạt Đoàn, xây dựng củng cố tổ chức Đoàn trên địa bàn dân cư; những đề xuất đối với chính sách của thanh niên, của cán bộ Đoàn.

    Ban Bí thư Trung ương Đoàn đối thoại với Bí thư Đoàn cơ sở xuất sắc toàn quốc 2013  _DSC0450(1)
    Toàn cảnh buổi đối thoại

    Mở đầu cho các ý kiến của buổi đối thoại, đồng chí Trần Phi Long – Bí thư Đoàn TN Công ty Prime Group, tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, các doanh nghiệp hiện nay đưa vấn đề lợi nhuận lên trên hết, nên các hoạt động Đoàn mang lại hiệu quả mới được các doanh nghiệp tạo điều kiện.

    Đồng chí Long nêu thực trạng, hầu hết thanh niên công nhân làm ca, cán bộ Đoàn trong các doanh nghiệp chủ yếu làm kiêm nhiệm không được hưởng phụ cấp. Bên cạnh đó, thanh niên có nhu cầu về nhà ở, vui chơi giải trí lành mạnh là rất lớn.

    Mạnh dạn giới thiệu 3 mô hình được cho là hiệu quả, đồng chí Long chia sẻ, đẩy mạnh phong trào ‘Sáng tạo trẻ” trong thanh niên công nhân thông qua ký cam kết sáng kiến kỹ thuật giữa các chi Đoàn nhằm góp phần mang lại lợi nhuận cho công ty cùng với nhiều giải thưởng thông qua các cuộc thi “Sáng tạo trẻ” các cấp tổ chức; mô hình thứ hai đó là, nâng cao tay nghề đẩy lùi tai nạn lao động đã được các cơ sở Đoàn làm tốt thông qua công tác tuyên truyền góp phần giảm thiểu tai nạn; công tác bảo vệ môi trường được cụ thể với các công trình vườn cây thanh niên, hàng cây thanh niên là mô hình thứ ba đã mang lại hiệu quả cho các doanh nghiệp đã được Đoàn làm tốt.

    Đề xuất với Ban Bí thư Trung ương Đoàn vấn đề này, đồng chí Long đề nghị nên có quy chế để các doanh nghiệp có phụ cấp cán bộ Đoàn kiêm nhiệm; quy định rõ hơn tổ chức Đoàn trong doanh nghiệp tương đương cấp huyện và có cán bộ Đoàn chuyên trách làm công tác Đoàn; Đoàn các doanh nghiệp cần có sự phối hợp với Đoàn thanh niên các địa phương để giới thiệu đoàn viên về sinh hoạt 2 chiều, giúp địa phương tập hợp thanh niên tốt hơn.

    Từ hoạt động thực tế trong trường học, Bí thư Đoàn trường phổ thông dân tộ nội trú tỉnh Tuyên Quang Bàn Thị Kim Thanh nêu tình trạng chất lượng các trường học miền núi phụ thuộc tỷ lệ đỗ Đại học, Cao đẳng, do đó nhiều Ban giám hiệu các trường định hướng các giáo viên nên tập trung đẩy mạnh công tác dạy học để có nhiều học sinh thi đỗ các trường. Tuy nhiên, thực tế công tác định hướng đào tạo nghề, tư vấn cho học sinh chọn trường, chọn nghề chưa được quan tâm; việc tư vấn của gia đình chọn nghề cho các em cũng chưa được thỏa đáng và bên cạnh đó, tâm lý của nhiều em ra trường lại mong muốn có việc làm ngay, thu nhập cao.

    Đồng chí Kim Thanh cho rằng, hiện Đoàn còn thiếu rất nhiều thông tin tuyên truyền về nghề nghiệp, ngành nghề; để tư vấn, hướng nghiệp cho các em, Đoàn trường đã liên hệ với một số cơ quan của tỉnh xin thông tin, nhưng những thông tin có được chỉ mang tính chất nội bộ, thông tin thực tế cần được cung cấp phải phong phú hơn.

    Bí thư Đoàn xã Thạch Đạn, Cao Lộc, Lạng Sơn Hoàng Đức Thanh cho biết nhu cầu hoạt động vui chơi giải trí cho thanh niên là rất lớn, hiện xã có 8 thôn, 12 chi đoàn, 7/8 thôn có nhà văn hóa nhưng xây xong chỉ có “khung”, cơ sở vật chất còn khó khăn, thiếu trang thiết bị hoạt động, nên trong hoạt động, Đoàn phải đi mượn một số nhà dân để tổ chức.

    Đồng chí Thanh nêu ví dụ thực tế, để tổ chức hoạt động thể thao Đoàn phải thuê ruộng của dân giá 1 triệu đồng để làm sân tổ chức các hoạt động thể thao, như: kéo co, đẩy gậy … “Nếu không có hoạt động chung để thu hút thanh niên thì đồng nghĩa với việc thanh niên dễ xa vào các tệ nạn xã hội, do đó vấn đề này cần được quan tâm với các chương trình, dự án đối với thanh niên ở vùng sâu, xa” - đồng chí Thanh nhấn mạnh.

    Ban Bí thư Trung ương Đoàn đối thoại với Bí thư Đoàn cơ sở xuất sắc toàn quốc 2013  _DSC0463
    Đ/c Lôi Thị Hồng nêu giải pháp tháo gỡ khó khăn về kinh phí hoạt động của Đoàn

    Nêu giải pháp tháo gỡ kinh phí trong hoạt động Đoàn, đồng chí Lôi Thị Hồng, xã Ngọc Lặc, Quế Phong, Nghệ An chia sẻ kinh nghiệm để có kinh phí tổ chức chính là phải biết phối hợp để tổ chức hoạt động. Đồng chí chia sẻ, để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ cho thanh niên, Đoàn xã đã phối hợp với Ban văn hóa xã, được biết Ban văn hóa xã có kinh phí hoạt động hơn 100 triệu đồng/năm; hay phối hợp với Ban công an xã tổ chức tuyên truyền phòng chống tội phạm, tội phạm ma túy … kinh phí lấy từ nguồn này mà không phải lấy của Đoàn.

    Với Võ Thị Mỹ Phượng, Bí thư Đoàn phường 4, quận 8, TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến, đã có cơ chế đầu vào đối với cán bộ Đoàn thì cũng cần có quy chế đầu ra và thực tế cán bộ có bằng Đại học làm Bí thư Đoàn phường có nhưng không nhiều.

    Ban Bí thư Trung ương Đoàn đối thoại với Bí thư Đoàn cơ sở xuất sắc toàn quốc 2013  _DSC0466(2)
    Bí thư Đoàn cơ sở Công an TP Huế Mai Bá Hoàng nêu ý kiến

    Sau hơn 2 giờ trao đổi, 12 ý kiến đã được thảo luận với nhiều nội dung, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đoàn, đồng chí Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Phan Văn Mãi đã phát biểu ghi nhận những đóng góp của đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở.

    Đồng chí nhấn mạnh, các đồng chí Bí thư Đoàn cơ sở chính là “Thủ lĩnh” của thanh niên, bởi các đồng chí là người luôn gắn bó trực tiếp với thanh niên, đối diện với những khó khăn, thực tế của cơ sở. Ban Bí thư Trung ương Đoàn luôn trân trọng các đồng chí, chính các đồng chí là những người quyết định hoạt động của cơ sở, giữ vững phong trào của cơ sở.

    Ban Bí thư Trung ương Đoàn đối thoại với Bí thư Đoàn cơ sở xuất sắc toàn quốc 2013  _DSC0474
    Đ/c Phan Văn Mãi – Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn phát biểu tại buổi đối thoại

    Qua các ý kiến trao đổi, đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng đã có một số vấn đề nổi lên, đó là có cơ chế để hoạt động đã Đoàn tốt hơn, việc chăm lo cho đoàn viên, cán bộ Đoàn được tốt hơn trước. Tuy nhiên, Ban Bí thư đã có kiến nghị và đã từng bước giải quyết những khó khăn trên phạm vi toàn quốc, Ban Bí thư Trung ương Đoàn tiếp tục ghi nhận và tiếp thu ý kiến để có những cơ chế chính sách trong thời gian tới.

    Về kinh phí hoạt động của Đoàn cơ sở, cần xã hội hóa kinh phí để có thêm các nguồn lực phục vụ hoạt động của Đoàn, do đó, cán bộ Đoàn phải luôn là người sáng tạo để chăm lo kinh phí cho hoạt động của Đoàn.

    Trong công tác giáo dục của Đoàn, hiện tại công tác thông tin, tài liệu truyền là rất nhiều, nhưng chưa đưa tới được cơ sở, chưa liên kết để tạo nên sức mạnh chung trong công tác tuyên truyền, do đó cần tiếp cận công tác giáo dục bằng những hình thức mới có sức lôi cuốn thanh niên. “Công tác giáo dục của Đoàn có thành công khi tất cả các cơ sở Đoàn, đoàn viên tham gia” – đồng chí Mãi khẳng định.
    Bên cạnh đó, việc giáo dục thanh niên chậm tiến, hỗ trợ thanh niên sau cai nghiện thông qua hoạt động thắp sáng ước mơ hoàn lương, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ vốn, tham gia các CLB … tiếp tục được quan tâm. Tuy nhiên con đường đi đến vi phạm dễ hơn hoàn lương, vậy cần có sự kiên trì của các cấp bộ Đoàn trong cách làm, cách tiếp cận, nắm bắt tâm tư, nhu cầu, nguyện vọng để giúp đỡ những thanh niên này sớm hoàn lương.
    Đồng chí đề nghị lưu ý, đối với công tác Đoàn, Hội trong trường học cần được làm chặt chẽ hơn, hệ thống hơn, tạo không gian, thời gian của Đoàn trong trường học; quan tâm đào tạo kỹ năng cho HSSV, phải dự báo cho được nhu cầu của nên kinh tế để định hướng tư vấn hướng nghiệp cho các bạn trẻ. Về công tác Hội LHTN trong trường học, nếu nơi nào hoạt động hiệu quả thì duy trì; nơi nào Hội hoạt động không hiệu quả thì sắp xếp lại tổ chức, khuyến khích các mô hình CLB, đội, nhóm sở thích để tổ chức hoạt động và do Đoàn trực tiếp quản lý – đồng chí Mãi nêu giải pháp cho vấn đề này.

    Với những khó khăn của tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp, đồng chí Mãi có ý kiến, nơi nào chưa có thì tổ chức các hoạt động bên ngoài nhằm tuyên truyền, chăm lo cho thanh niên công nhân, qua đó vận động các doanh nghiệp quan tâm xây dựng tổ chức Đoàn, Hội. Chú ý việc thành lập các chi Đoàn, chi Hội, CLB thanh niên khu nhà trọ.

    Giải đáp cũng như chia sẻ với băn khoăn của nhiều Bí thư Đoàn cơ sở có mặt tại buổi đối thoại về vấn đề đầu ra cho cán bộ Đoàn, đồng chí Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn đề nghị các Đoàn cơ sở cần làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền; quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ Đoàn, trong đó đối với cán bộ Đoàn chuyên trách ít nhất học qua lớp bồi dưỡng từ 2 – 3 tháng và được cấp chứng nhận đào tạo; đồng thời trên cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Trung ương, Tỉnh, Huyện đã đào tạo, tiếp tục trang bị kỹ năng, kiến thức cần thiết thêm cho cán bộ Đoàn cơ sở.

    Đông Hà