Câu lạc bộ tình nguyện Hòa Bình Xanh Việt Nam


Người đưa đò ở bến tri ân

    truyenthong
    truyenthong
    Cấp 13
    Cấp 13
    Tên thật Tên thật : Truyền Thông
    Đến từ Đến từ : Hà Nội

     Người đưa đò ở bến tri ân Empty Người đưa đò ở bến tri ân

    Bài gửi by truyenthong 13/5/2013, 20:53

    Không được phân công, không một đồng lương trách nhiệm, nhưng nhiều năm liền thầy giáo Nguyễn Sỹ Hồ vẫn miệt mài đi chụp ảnh mộ liệt sĩ và lấy thông tin về họ đăng tải lên Internet cho những thân nhân liệt sĩ có nhu cầu tìm mộ biết. Người ta gọi anh là “Người đưa đò” ở bến tri ân cho những linh hồn liệt sĩ.

     Người đưa đò ở bến tri ân 28_anh92

    Hành trình tìm anh trai

    Nguyễn Sỹ Hồ sinh năm 1956, quê anh ở xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Anh học Đại học Sư phạm Vinh, khoa Toán năm 1977. Năm 1981, anh ra trường và được phân công vào thị trấn Tân Uyên, nay là thị trấn Uyên Hưng, tỉnh Sông Bé (cũ) giảng dạy. Thời gian sau, anh được điều về dạy ở trường THPT Tân Bình (xã Tân Bình, Tân Uyên, Bình Dương) cho đến nay.

    Anh có người anh trai cả tên Nguyễn Đăng Khoa đi bộ đội năm 1968. Năm 1971, anh Khoa về thăm gia đình để đi B dài rồi hi sinh. Giấy báo tử ghi anh hi sinh ngày 15/10/1972 tại mặt trận phía Nam. Gia đình lấy ngày 15-10 làm ngày giỗ anh. Đồng đội nói anh hi sinh ở chiến trường tỉnh Quảng Trị. Nhiều năm liền gia đình anh đi tìm mộ anh Khoa nhưng không thấy!

    Năm 2007, anh Hồ về quê thăm gia đình. Khi lần giở lại những giấy tờ kỷ vật của anh trai, anh Hồ thấy rơi ra một tờ giấy khen của anh Khoa do Nguyễn Đình Ích-thủ trưởng Trung đoàn 271 - ký tặng. Từ đầu mối đó, anh Hồ gọi điện về Trung đoàn 271, biết tin trung đoàn hiện đóng quân ở huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.

    Vào Bình Dương, anh Hồ đến Trung đoàn 271 tìm kiếm thông tin về anh Khoa và biết chuyện anh Khoa hi sinh ở Quảng Trị là nhầm lẫn. Vì lúc đó Trung đoàn 271 được tách làm hai đơn vị là 27 và 271. Đơn vị 27 ở lại chiến đấu. Anh Khoa theo 271 đi B dài.

    “Trong tàng thư của Trung đoàn 271 còn giấy viết tay của đồng đội nói anh hi sinh ngày 16/4/1973 ở Mỹ Thạnh Đông, xã Đức Hòa, tỉnh Long An. Lúc đó anh tôi cùng đồng đội đi Ba Thu- Campuchia về đến biên giới thì bị phục kích và họ hi sinh. May còn một người sống sót tên Thành quay lại báo cáo với bộ đội địa phương chôn cất. Anh Thành còn vẽ lại sơ đồ của những ngôi mộ. Tiếc là khi tôi đi tìm thì anh Thành không còn sống”- anh Hồ kể lại.

    Sau đó, anh cùng gia đình đi tới nghĩa trang huyện Đức Hòa- Long An, tìm kiếm. Trao đổi với người quản trang nghĩa trang huyện Đức Hòa, họ mới biết xã Mỹ Thạnh Đông thuộc huyện Đức Huệ. Có thể anh Khoa được quy tập về nghĩa trang Đức Huệ. Vậy là họ đến đó. Tới nghĩa trang, dù được anh Hai Chỉnh- quản trang nghĩa trang huyện Đức Huệ- mang hồ sơ cho họ dò tìm, họ rất thất vọng vì không thấy tên anh Khoa. Lý do là có hơn 3/4 là liệt sĩ vô danh ở nghĩa trang này!

    Anh Hồ trở lại Trung đoàn 271, gặp Đại úy Toản, người phụ trách công tác chính sách Trung đoàn, mang toàn bộ hồ sơ lưu trữ dò tìm. Anh Hồ tìm thấy một quyển sổ ghi chép của đồng đội anh Khoa, trong đó có biên bản kiểm tra mồ mả liệt sĩ đợt 2 ở khu vực Đức Hoà - Long An. Biên bản cho biết anh Khoa được chôn cất tại xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ cùng với sáu đồng đội nữa. Biết tin đó, họ đến Mỹ Thạnh Tây, một xã sát biên giới Việt Nam - Campuchia của huyện Đức Huệ. Nhưng khi đến gặp chính quyền xã, thì họ khẳng định là không có ai là liệt sĩ được chôn ở đây.

    Anh lại quay về Ban Chính trị Trung đoàn 271 tiếp tục tìm kiếm. “Đã hết cả một buổi chiều lục lọi nhưng tôi vẫn không tìm ra manh mối nào. Tôi chợt nhìn thấy tấm bản đồ chôn cất liệt sĩ mà tôi đang cần. Trên tấm bản đồ này ghi rất rõ ràng: bảy liệt sĩ hy sinh tại ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Thạnh Tây và được chôn tại ấp Voi (xã Mỹ Thạnh Tây-Đức Huệ-Long An) trong đó có tên anh tôi.

    Trước khi tạm biệt, tôi nói với anh Toản: Những tờ giấy trông như những tờ giấy loại này nhưng nó là vô giá! Nó không thể mua được bằng tiền. Xin các đồng chí hãy nâng niu, hãy cất giữ cẩn thận vì đang còn rất nhiều thân nhân các liệt sĩ cần tới chúng”.

    Được anh Ba Tuấn, Phó Chủ tịch xã Mỹ Thạnh Tây, giúp anh Hồ gặp anh Sáu Dân là bộ đội địa phương thời kỳ 1972- 1975. Anh Sáu đã tham gia chôn cất bảy liệt sĩ. Người dân địa phương xác nhận thêm, sau giải phóng bảy mộ liệt sĩ được chôn tại đây theo hướng Bắc-Nam vẫn còn nguyên vẹn.

    Đến năm 1982 huyện quy tập về nghĩa trang Đức Huệ. Người dân nơi đây còn gọi khu đất này là “khu bảy mộ”. Anh Hồ và gia đình tới Phòng Lao động thương binh và xã hội (LĐTB&XH) huyện Đức Huệ và tìm thấy sơ đồ quy tập bảy liệt sĩ từ Mỹ Thạnh Tây về nghĩa trang Đức Huệ.

    “Đến đây tôi lại thắc mắc: Vì sao trong bản đồ của đồng đội để lại thì ghi là chôn tại ấp Voi, gần nhà ông Sáu Huỷnh mà sơ đồ của nghĩa trang thì ghi bảy mộ của Mỹ Thạnh Tây? Khi anh Ba Tuấn dẫn đến gặp ông Hai Cậy- nguyên là Huyện đội trưởng Đức Huệ thời kỳ 1972-1975 thắc mắc đó đã sáng tỏ.

    Ông Hai Cậy cho biết: Bảy chiến sĩ này là bộ đội thuộc Trung đoàn 271 được cử đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua và bị phục kích. Lãnh đạo và nhân dân địa phương nhiều người còn nhớ rất rõ sự kiện này. Tôi là người chỉ đạo việc chôn cất bảy liệt sĩ. Xã Mỹ Thạnh Tây chỉ có duy nhất ở ấp Voi là chôn bảy liệt sĩ”- anh Nguyễn Sỹ Hồ kể.

    Để chắc ăn, anh Hồ đối chiếu trang chép tay của đồng đội anh Khoa ghi: “ Ấp Voi - Mỹ Thạnh Tây: 7 mộ (chiến sĩ thi đua 1972)” với cuốn "Lịch sử Trung đoàn bộ binh 271" của Đảng uỷ, chỉ huy Sư đoàn 5, Quân khu VII, do nhà xuất bản Quân đội nhân dân, ấn hành năm 2007.

     Người đưa đò ở bến tri ân 28_anh92-400
    Anh Hồ và người thân bên mộ anh Khoa.

    Ở trang 131 của sách ghi: "Ngày 16/4/1973, 11 đồng chí ở Tiểu đoàn 9 có nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu được cử đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua của Trung đoàn. Trên đường đi đến địa điểm tổ chức Đại hội, các đồng chí lọt vào trận địa phục kích của đại đội thám sát 773 của Tiểu khu Hậu Nghĩa và đã anh dũng hi sinh...". Đối chiếu các thông tin trên, anh Hồ thấy hoàn toàn trùng khớp.

    Anh Hồ đã tìm thấy phần mộ anh trai. Nhưng do khi quy tập, bảy ngôi mộ đã bị mất tên, không còn biết phần mộ nào là của ai nữa. Để tìm ra tên tuổi cho anh trai và các đồng đội, anh Hồ lại phải tiến hành xét nghiệm ADN. Nhưng chi phí xét nghiệm ADN rất tốn kém nên anh đành gác lại việc truy tìm tên tuổi cho anh và đồng đội, chờ cơ hội.

    Khoảng từ những năm 1990 về sau, việc tìm mộ liệt sĩ được nhà nước chú trọng. “Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi quyết định viết đơn gửi cho Báo Lao Động, nói rõ nguyện vọng tìm nguồn kinh phí xét nghiệm ADN, tìm lại tên tuổi cho anh tôi và đồng đội. Khi lá đơn được đăng ở mục “Kết nối thông tin tìm, báo mộ liệt sĩ" của báo, rất nhiều người đã ủng hộ. Và chúng tôi đủ kinh phí để làm xét nghiệm” - anh Hồ nhớ lại.

    Ngày 29-8-2008, những mẫu ADN được đưa ra Viện Công nghệ Sinh học Việt Nam để xét nghiệm. Ngày 22/12/2008, tại đơn vị Quân khu IV ở Vinh - Nghệ An, Viện Công nghệ Sinh học Việt Nam đã công bố kết quả xét nghiệm ADN của bảy liệt sĩ. Họ đã được trả lại tên tuổi sau hơn 30 năm chịu cảnh vô danh. Đó là các liệt sĩ: Lê Văn Chung, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Đăng Khoa, Hà Duy Hưng, Trần Gia Long, Đặng Hồng Châu, Nguyễn Hữu Thư.

    “Đưa đò” cho những linh hồn

    Hiểu được uy thế của báo chí và truyền thông, vào khoảng tháng 10-2008 anh gửi ảnh chụp danh sách liệt sĩ của Trung đoàn 271 đăng tải trên Báo Lao Động. Ba ngày sau khi báo đăng, anh được báo tin là có 15 liệt sĩ đã được người thân tìm nhận. Phấn khởi từ hiệu ứng đó, anh quyết định lập blog trên mạng Vnweblogs.com để đăng tải những thông tin về liệt sĩ và bia mộ với hi vọng giúp thân nhân họ tìm kiếm dễ dàng hơn. Blog anh lấy tên là “Người đưa đò”, tên truy cập là http://teacherho.vnweblogs.com. Ngày 1/1/2008, bài viết đầu tiên được anh đưa lên Blog.

    Để có thêm thông tin cho blog và cung cấp cho gia đình liệt sĩ, hàng tháng anh Hồ lại gom góp tiền bạc, tự nấu cơm đem theo và chạy xe máy tìm đến các nghĩa trang liệt sĩ của các tỉnh để thu thập thông tin, chụp ảnh về phần mộ của các liệt sĩ đưa lên blog. Không chỉ dừng ở đó, mỗi khi có thông tin từ các nghĩa trang, anh liền tìm đến những đơn vị của liệt sĩ, đối chiếu với tàng thư của đơn vị đó nhằm truy tìm chính xác tên tuổi, quê quán… của liệt sĩ đó.

    Sau đó, anh gửi thư về cho thân nhân liệt sĩ thông báo. Đồng thời, anh gửi thư đến các cơ quan liên quan như Sở LĐTB& XH, đơn vị chủ quản của các liệt sĩ trước khi hi sinh để thông báo nhờ giúp đỡ việc tìm kiếm, xác định lại tên tuổi, quê quán. Bây giờ blog anh đã có gần 200.000 thông tin về phần mộ liệt sĩ. Hàng ngày có hàng trăm lượt truy cập. Rất nhiều trường hợp đã tìm thấy mộ của người thân nhờ blog của anh. Theo anh Hồ, có hơn 1.000 gia đình tìm được mộ của liệt sĩ từ blog Người đưa đò. Đặc biệt, ngày 7/7/2011, từ blog và từ thư thông báo của anh đã có bảy gia đình tìm được mộ.

    Anh Nguyễn Sỹ Hồ tâm sự: “Có nhiều trường hợp người thân tới gặp tôi để nhờ tìm mộ liệt sĩ rất cảm động. Có lần, tôi tìm thấy liệt sĩ tên Lê Văn Huân, quê ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Khi tôi viết thư về cho con trai liệt sĩ là Lê Văn Lâm ở quê biết, anh rất xúc động và bất ngờ vì nhiều năm liền không hề biết tin tức của cha. Sau đó, anh thu xếp vào nhờ tôi dẫn đi tìm mộ cha hiện được quy tập ở nghĩa trang huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

    5h chiều của một ngày năm 2009, anh Lâm tới nhà tôi. Gặp tôi, không kịp nói hết câu cảm ơn, anh đã khóc ngất. Nhìn cảnh đó, tôi cũng khóc theo anh. Nhà anh quá nghèo, tôi phải gọi điện nhờ người học trò làm ở đài truyền hình Bình Dương mượn xe cơ quan chở đi lên nghĩa trang”.

    Nhiều năm liền, âm thầm làm việc “đưa đò” cho các linh hồn liệt sĩ ở “bến tri ân”, vui có, buồn có, có lúc còn bị cướp giật máy ảnh, bị quản trang cấm chụp ảnh… nhưng anh Nguyễn Sỹ Hồ vẫn kiên trì theo đuổi niềm đam mê của mình. Thấy anh làm cái việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” đó vừa mệt vừa nguy hiểm, có người khuyên anh bỏ đừng làm nữa, nhưng anh vẫn nhẫn nại làm. Cũng may, anh được vợ con ủng hộ hết lòng. Mỗi khi anh đi chụp hình, thu thập thông tin về liệt sĩ, vợ anh lại dậy sớm nấu cơm, nước và đi cùng anh. Chính điều đó đã cho anh thêm sức mạnh để tiếp tục công việc này.

    Gần đây, mong ước của anh là có một website đủ mạnh để chứa thông tin về liệt sĩ do anh tìm kiếm đã thành hiện thực. Ngoài ra, anh mong ước ngân hàng gene cho liệt sĩ sớm triển khai để có thể sớm tìm thấy phần mộ, tên tuổi cho các liệt sĩ.

    “Tôi có đọc ở đâu đó câu nói “Sống ở đời phải biết cho”. Tôi không có tiền bạc để cho thì tôi cho niềm vui, bỏ công sức ra để cho niềm vui, niềm tin cho người khác”. Lời tâm sự đó của anh Nguyễn Sỹ Hồ dù nói ra rất nhẹ nhàng, nhưng tôi hiểu để làm được điều đó thật không dễ chút nào.

    Từ câu nói đó, tôi chợt nghĩ, nếu con người bớt đi những tính toan, những suy nghĩ vị kỷ chỉ biết đến quyền lợi bản thân mình, thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn.

    Theo Công an Nhân dân.