Cử tri đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đạt một số kết quả nhưng còn nhiều hạn chế và chưa thực hiện được mục tiêu đề ra là “ngăn chặn, đẩy lùi”.
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa 13 (khai mạc ngày 20/5), Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được trên 1.700 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Các ý kiến bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng trước thực trạng phát triển chưa bền vững của nền kinh tế khi mà giá điện, xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu, nhất là giá vật tư nông nghiệp còn cao gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân.
Nhiều dự án sử dụng đất kém hiệu quả, gây lãng phí; nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát tài sản nhưng việc xử lý trách nhiệm chưa nghiêm. Tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi trong khi đời sống, việc làm của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Chênh lệch giàu nghèo tiếp tục gia tăng, tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp gây bức xúc trong nhân dân.
Công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua được cử tri đánh giá đạt được một số kết quả nhưng còn nhiều hạn chế và chưa thực hiện được mục tiêu đề ra là “ngăn chặn, đẩy lùi”. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý còn ít, một số vụ án xử lý chậm, kéo dài, gây tâm lý hoài nghi, giảm sút lòng tin trong nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật.
Cử tri và nhân dân kiến nghị các cơ quan chức năng của nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát và xử lý kịp thời, nghiêm túc các vụ việc tham nhũng, lãng phí, nhất là vụ việc nghiêm trọng mà dư luận xã hội quan tâm. Quốc hội cần tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện và tuân theo pháp luật đối với những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực như quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, tài sản công…
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN
Trong các kiến nghị, cử tri hoan nghênh việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng bí thư đứng đầu cùng với việc thành lập lại Ban Nội chính ở Trung ương và các tỉnh, thành phố. Người dân cả nước hy vọng trong thời gian tới công tác phòng, chống tham nhũng sẽ có những chuyển biến rõ rệt, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), đáp ứng niềm tin của nhân dân vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Liên quan tới tình hình khiếu nại, tố cáo mà đa số vụ việc liên quan tới lĩnh vực đất đai, cử tri kiến nghị Quốc hội khi xem xét sửa đổi Luật đất đai cần có những quy định cụ thể. Ví dụ mục đích thu hồi đất khác nhau thì cần có cơ chế thu hồi khác nhau để tránh tiêu cực, đồng thời phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất. Thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân cần dài hạn hơn hiện nay để người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các cấp tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài; đồng thời ưu tiên xây dựng thể chế về giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là sớm trình Quốc hội xem xét thông qua Luật tiếp công dân; xử lý nghiêm cán bộ vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Hoan nghênh việc tổ chức lấy ý kiến và kéo dài thời gian góp ý dự thảo Hiến pháp sửa đổi song cử tri cho rằng, ở một số nơi, việc này diễn ra còn hình thức. Cử tri kiến nghị các cơ quan hữu quan tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác những ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc đồng thời giải trình rõ những nội dung không tiếp thu để hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự thảo, phản ánh đúng và đầy đủ ý nguyện của nhân dân tới Quốc hội. Quốc hội thì cần phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ để xây dựng bản Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới.
Đối với lĩnh vực y tế, cử tri cho rằng, dù viện phí đã tăng nhưng tình trạng xuống cấp, quá tải ở các bệnh viện, nhất là các bệnh viện ở Trung ương vẫn không giảm. Cử tri kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên đầu tư mở rộng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến huyện; xây dựng thêm các bệnh viện khu vực để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên; nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ y, bác sĩ cả về chuyên môn và y đức; thực hiện việc luân chuyển bác sĩ có tay nghề cao ở những bệnh viện trung ương về địa phương.
Cử tri cũng bức xúc trước tình trạng buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng dẫn đến nhiều cơ sở hành nghề y của người nước ngoài hoạt động trái phép, chất lượng khám, chữa bệnh không đảm bảo, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng…
Về giáo dục, cử tri phản ánh việc học thêm, dạy thêm vẫn diễn ra tràn lan, nhất là ở khu vực đô thị mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy định mới về dạy thêm, học thêm. Bệnh thành tích trong giáo dục không giảm, tỷ lệ học sinh khá, giỏi ở các bậc học phổ thông nhiều nơi rất cao nhưng không phản ánh đúng thực trạng chất lượng của ngành giáo dục. Hậu quả của việc cho phép mở quá nhiều trường đại học, cao đẳng thời gian qua đã dẫn đến việc nhiều trường thiếu các điều kiện cơ bản cả về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và năng lực quản trị nên chất lượng đào tạo thấp, số lượng tuyển sinh ngày càng giảm sút, lãng phí nguồn lực đầu tư của xã hội…
Nguyễn Hưng - Vnexpress
Chuẩn bị cho kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa 13 (khai mạc ngày 20/5), Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được trên 1.700 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Các ý kiến bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng trước thực trạng phát triển chưa bền vững của nền kinh tế khi mà giá điện, xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu, nhất là giá vật tư nông nghiệp còn cao gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân.
Nhiều dự án sử dụng đất kém hiệu quả, gây lãng phí; nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát tài sản nhưng việc xử lý trách nhiệm chưa nghiêm. Tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi trong khi đời sống, việc làm của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Chênh lệch giàu nghèo tiếp tục gia tăng, tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm và tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp gây bức xúc trong nhân dân.
Công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua được cử tri đánh giá đạt được một số kết quả nhưng còn nhiều hạn chế và chưa thực hiện được mục tiêu đề ra là “ngăn chặn, đẩy lùi”. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý còn ít, một số vụ án xử lý chậm, kéo dài, gây tâm lý hoài nghi, giảm sút lòng tin trong nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật.
Cử tri và nhân dân kiến nghị các cơ quan chức năng của nhà nước cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát và xử lý kịp thời, nghiêm túc các vụ việc tham nhũng, lãng phí, nhất là vụ việc nghiêm trọng mà dư luận xã hội quan tâm. Quốc hội cần tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện và tuân theo pháp luật đối với những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực như quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, tài sản công…
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng. Ảnh: TTXVN
Trong các kiến nghị, cử tri hoan nghênh việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng bí thư đứng đầu cùng với việc thành lập lại Ban Nội chính ở Trung ương và các tỉnh, thành phố. Người dân cả nước hy vọng trong thời gian tới công tác phòng, chống tham nhũng sẽ có những chuyển biến rõ rệt, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), đáp ứng niềm tin của nhân dân vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Liên quan tới tình hình khiếu nại, tố cáo mà đa số vụ việc liên quan tới lĩnh vực đất đai, cử tri kiến nghị Quốc hội khi xem xét sửa đổi Luật đất đai cần có những quy định cụ thể. Ví dụ mục đích thu hồi đất khác nhau thì cần có cơ chế thu hồi khác nhau để tránh tiêu cực, đồng thời phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất. Thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân cần dài hạn hơn hiện nay để người dân yên tâm đầu tư sản xuất. Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các cấp tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài; đồng thời ưu tiên xây dựng thể chế về giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là sớm trình Quốc hội xem xét thông qua Luật tiếp công dân; xử lý nghiêm cán bộ vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Hoan nghênh việc tổ chức lấy ý kiến và kéo dài thời gian góp ý dự thảo Hiến pháp sửa đổi song cử tri cho rằng, ở một số nơi, việc này diễn ra còn hình thức. Cử tri kiến nghị các cơ quan hữu quan tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác những ý kiến của nhân dân đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc đồng thời giải trình rõ những nội dung không tiếp thu để hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự thảo, phản ánh đúng và đầy đủ ý nguyện của nhân dân tới Quốc hội. Quốc hội thì cần phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ để xây dựng bản Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn mới.
Đối với lĩnh vực y tế, cử tri cho rằng, dù viện phí đã tăng nhưng tình trạng xuống cấp, quá tải ở các bệnh viện, nhất là các bệnh viện ở Trung ương vẫn không giảm. Cử tri kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên đầu tư mở rộng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến huyện; xây dựng thêm các bệnh viện khu vực để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên; nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ y, bác sĩ cả về chuyên môn và y đức; thực hiện việc luân chuyển bác sĩ có tay nghề cao ở những bệnh viện trung ương về địa phương.
Cử tri cũng bức xúc trước tình trạng buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng dẫn đến nhiều cơ sở hành nghề y của người nước ngoài hoạt động trái phép, chất lượng khám, chữa bệnh không đảm bảo, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng…
Về giáo dục, cử tri phản ánh việc học thêm, dạy thêm vẫn diễn ra tràn lan, nhất là ở khu vực đô thị mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy định mới về dạy thêm, học thêm. Bệnh thành tích trong giáo dục không giảm, tỷ lệ học sinh khá, giỏi ở các bậc học phổ thông nhiều nơi rất cao nhưng không phản ánh đúng thực trạng chất lượng của ngành giáo dục. Hậu quả của việc cho phép mở quá nhiều trường đại học, cao đẳng thời gian qua đã dẫn đến việc nhiều trường thiếu các điều kiện cơ bản cả về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và năng lực quản trị nên chất lượng đào tạo thấp, số lượng tuyển sinh ngày càng giảm sút, lãng phí nguồn lực đầu tư của xã hội…
Nguyễn Hưng - Vnexpress