Hiện Việt Nam đang có đại học 1.0 và cần xây dựng mô hình 2.0 với hệ thống tài liệu, học sinh, thầy giáo được số hóa, lớp học trở thành rạp chiếu phim...
Chiều 20/6, buổi tọa đàm "Công nghệ thông tin - Cải cách đào tạo đại học" được tổ chức trong khuôn khổ diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2013. Phó thường trực Ban tuyên giáo trung ương Vũ Ngọc Hoàng là người chủ trì, Cục trưởng cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) Quách Tuấn Ngọc, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến...là diễn giả.
Trình bày ý tưởng về một nền giáo dục đại học mới, thầy Nguyễn Hữu Đức cho biết, hiện đã có sự phân tầng đại học nhưng đại học số 2.0 thì chưa được quan tâm. Theo thầy, cần xây dựng mô hình đại học số, để tất cả từ học sinh đến thầy giáo đều tham gia diễn kịch, làm việc phục vụ môn học, biến không gian học tập thành nhà hát, rạp chiếu phim.
"Hiện nay nhiều nước đã có đại học 3.0, ở mình chỉ mới ở 1.0 và chỉ quan niệm rằng cho sinh viên học càng nhiều càng tốt. ĐH Quốc gia chúng tôi đã bắt đầu thay đổi và nỗ lực tạo nhiều tài nguyên số cho sinh viên", thầy Đức cho hay.
Các diễn giả nói về tầm quan trọng của Công nghệ thông tin đối với đổi mới giáo dục. Ảnh:Phong Anh. |
Thầy phân tích giai đoạn hiện nay, công nghệ phát triển nhanh, toàn cầu hóa rộng rãi và sự thay đổi các thệ hệ rất sâu sắc. Nếu như những thế hệ trước năm 1945 chỉ sống trong chiến tranh, những năm 1960 rất thích học nhưng kinh tế khó khăn thì thế hệ hiện nay là thế hệ net, thế hệ của thế giới hiện đại. Đặc trưng của thế hệ này là việc đào tạo rất rộng, hoạt động trong các nhóm và người học rất muốn được phản biện, trao đổi với nhau.
Công nghệ thông tin dần đi vào cuộc sống từ năm 2000 và đến nay tất cả mọi người đều có thể học ở mọi nơi. Trước đây việc học quan tâm đến ba yếu tố cơ bản là có sách, tài liệu, quá trình thầy giảng dạy và quá trình học của học viên.... Nhưng hiện nay thì cần quan tâm đến chất lượng học tập, không còn sách giáo khoa nữa mà sách được số hóa, thầy có nhiều trò với sự tương tác khác nhau. Khi thầy trả lời một em thì các bạn trong lớp đều biết nội dung...
"Đại học 2.0 xây dựng một xã hội học tập trong đó tất cả mọi người đều tham gia làm cơ sở dữ liệu để học. Đặc biệt, nhờ công nghệ thông tin, khoảng cách giữa thầy giáo với học trò trở nên gần gũi, thân thiện hơn. Học sinh đến lớp không chỉ có bảng, phấn nữa mà phòng học có thể biến nó thành hãng phim, rạp chiếu bóng...Tóm lại là mô hình học tập cần phải thay đổi", thầy Đức nói.
Khẳng định tầm quan trọng của công nghệ thông tin đối với giáo dục, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam Trương Gia Bình trích lại khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi phát biểu trong buổi khai mạc diễn đàn. Ông khẳng định bài phát biểu mang tầm chiến lược, ít có quốc gia nào có.
"Trước khi ra về Thủ tướng đã căn dặn giáo dục đào tạo là yếu tố quan trọng nhất. Người ra đã nói bất cứ một nền kinh tế nào cũng trải qua nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và tri thức. Thủ tướng nhắc đến phương thức mới, nghĩa là nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục...đều cần phương thức mới. Cái mới đầu tiên là ở sản phẩm", ông Bình nói.
Ông Trương Gia Bình: "Nếu sản phẩm đào tạo không có tiếng Anh, không có sáng tạo, không có IT là đầu ra vô dụng". Ảnh: Phong Anh. |
Ông kể, từng dự tọa đàm "thế hệ bị lãng quên" trong đó có 3 clip: sinh viên 2 năm không tìm được việc và tuyên bố nếu đến năm thứ 3 vẫn không tìm được thì sẽ ở nhà ăn trợ cấp. Clip về một cô gái tốt nghiệp 6 tháng nói có việc gì cũng sẽ làm. Và clip kết luận 2 năm trước nước họ đã không cải cách giáo dục, để cho ra đời những sản phẩm không phù hợp với tình hình mới, không có sáng tạo, không có kĩ năng toàn cầu. Từ đó sẽ không có việc làm.
Vị Chủ tịch phân tích, Thủ tướng có nói đưa cần đưa Việt Nam thoát ngưỡng thu nhập trung bình tiến vào nền tri thức xã hội thông tin và đầu ra của nền kinh tế tri thức. Nếu sản phẩm đào tạo không có tiếng Anh, không có sáng tạo, không có IT là đầu ra vô dụng. Và cứ tiếp tục sản xuất sản phẩm này thì tương lai Việt Nam không có gì sáng sủa.
Ông Trương Gia Bình cho rằng, Thủ tướng nói giáo dục thông minh, nghĩa là phải số hóa tất cả, từ học sinh đến giáo viên đến toàn bộ các quy trình thi cử, học hành, trao đổi...Học sinh, thầy giáo, các trường kết nối với nhau. Khi đó, giáo viên có thể tự hào là "tôi có hàng triệu sinh viên trên thế giới". Điều này cũng sẽ đạt được mục tiêu về kiến thức khi các thầy không ngừng hoàn thiện, biết cách tập trung vào nội dung quan trọng.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông Mai Liêm Trực cũng khẳng định, đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trước đây đã không được Quốc hội thông qua. Nguyên nhân là do không đạt yêu cầu, trong đó có việc chưa đặt công nghệ thông tin đúng tầm quan trọng của nó. "Công nghệ thông tin là nền tảng của một phương thức phát triển mới, vậy thì phát triển giáo dục trong thời gian sắp tới, Công nghệ thông tin là một nền tảng bền lâu", ông Trực nói.
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) Quách Tuấn Ngọc cho biết hiện nay các trường đại học đều dùng hệ thống phần mềm để quản lý quá trình đào tạo, thu chi tài chính, thư việc điện tử, thư viện số trong các trường đại học đã phổ biến. Đối với Bộ Giáo dục, ông đã từng góp ý: trước khi đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục mà không có hệ thống số liệu, dữ liệu thống kê mấy năm qua thì như người đi máy bay mà không có rađa dẫn đường. Mà muốn có dữ liệu thì chỉ có Công nghệ thông tin mới giúp được. Theo ông Ngọc, việc đổi mới dạy và học trong giáo dục đại học phải chuyển hướng trong tương lai gần. Công nghệ thông tin đem lại cơ hội học đại học cho mọi người rất lớn. Mô hình này đang chuyển động rất mạnh mẽ trên thế giới, như ở Hàn Quốc có 21 trường hoàn toàn là trường đại học số, không ghép trên nền trường đại học cũ. Từ đó sẽ có sự thay đổi căn bản, cung cấp tri thức cho mọi người được học tập suốt đời. |
Hoàng Thùy - Vnexpress