Ra đời tại Mĩ từ đầu thế kỉ XX, chỉ sau sự ra đời của điện ảnh không lâu, hoạt hình đã nhanh chóng phát triển và giành được một vị trí nhất định trong sân chơi của các loại hình nghệ thuật. Ngày nay, thứ sản phẩm không còn mấy xa lạ song vẫn còn nhiều mới lạ và nhiều bí mật này đã không chỉ còn là “độc quyền” của nước Mỹ hay các quốc gia Tây Âu mà trở thành một sản phẩm của văn hóa toàn cầu. Một hiện tượng đáng kể là sự thành công của hoạt hình Nhật Bản trong những năm đầu thế kỉ XXI. Một trong những nhân tố làm nên thành công của hoạt hình Nhật Bản chính là ở chỗ nó đã chứng tỏ được sức mạnh văn hóa khác biệt cần lí giải.
Cùng chung số phận với điện ảnh, hoạt hình ban đầu chỉ được coi như một hình thức giải trí thuần túy. Nó ra đời, bên cạnh bệ phóng là sự phát triển của công nghệ, còn bởi nhu cầu giải trí của một lớp công chúng thành thị đã không chỉ thỏa mãn với những loại hình nghệ thuật truyền thống. Nhưng cũng chính vì thế, trong mắt những người hoạt động và phê bình nghệ thuật, hoạt hình chỉ được xem như một hiện tượng văn hóa ngoại biên, hơn nữa lại chỉ là địa hạt của trẻ thơ. Bản thân công chúng cũng hài lòng rằng: họ đang giải trí chứ không cần một thứ quá nghiêm túc; trẻ thơ thì chỉ cần vui cười với những pha hài hước và những kết thúc có hậu truyền thống của cổ tích. Vậy thì, một câu hỏi đặt ra là, vậy chừng nào cơn khát của thị trường được thỏa mãn và thị hiếu của công chúng thay đổi thì phim hoạt hình sẽ đến hồi cáo chung, cũng như rất nhiều những hiện tượng văn hóa khác? Hay bản thân nó cũng sẽ trở thành một “nghệ thuật”, như trường hợp của tiểu thuyết, của điện ảnh và xâm nhập vào địa hạt của “giả tưởng văn hóa bậc cao”, thậm chí soán ngôi của một loại hình nào đó trên nấc thang phân cấp?Cái “giả tưởng văn hóa bậc cao”, sở dĩ nói như thế vì, nó tồn tại dựa trên sự đồng thuận về giá trị được đề xuất bởi một nhóm nào đó. Song, ai cũng biết rằng, giá trị ấy là một tình huống hoàn toàn có thể thay đổi. Nó không phải là một thứ bất biến mà khả biến.. Ở Nhật Bản, những thập kỉ cuối của thế kỉ XX, cái khả biến ấy đã thành hiện thực khi phim hoạt hình dần dần được xem như một hình thức nghệ thuật đầy thách thức về mặt trí tuệ và kích thích sự sáng tạo vô biên. Tạm quên đi cái gọi là sự phân tầng giữa văn hóa bác học và văn hóa đại chúng, phim hoạt hình, ở đây, bất chấp ranh giới hay định kiến, đã chứng tỏ sức sống của nó với tư cách một loại hình nghệ thuật độc lập, hay một loại văn bản như là một mã văn hóa.
Nội trong đường biên giới Nhật Bản, hoạt hình sơ khai cũng là một hình thức được xây dựng dựa trên truyền thống nghệ thuật dân tộc là Kabuki (tranh khắc gỗ – những hình thức mà khởi nguyên cũng được coi như một hiện tượng văn hóa đại chúng, thuộc về số đông); song song với việc sử dụng những hình thức nghệ thuật hiện đại của thế kỉ XX như nhiếp ảnh, điện ảnh đồng thời chịu ảnh hưởng không nhỏ của một hình thức cũng gây tranh cãi khác về mặt “giá trị” là manga. Chưa kể, một nguồn vô tận cho các ý tưởng kịch bản hoạt hình là văn chương, mà ở đó, người xem cũng có thể tìm thấy một sự gần gũi, một niềm thích thú hồ như vô tận khi đắm mình trong những thế giới tưởng tượng, bất chấp việc được thể hiện bằng hình thức nào. Hoạt hình Nhật Bản, vì thế, không chỉ là một phương tiện giải trí mới mẻ dành cho đông đảo các đối tượng khán giả ở cấp độ cơ bản, phổ thông mà còn chuyển hướng người xem đến những cấp độ khác, kích thích trí tưởng tượng và khơi gợi những cảm xúc thẩm mĩ ở cấp độ cao hơn; khuyến khích người xem suy nghĩ về những vấn đề của xã hội đương đại theo cách rất hấp dẫn mà thậm chí những hình thức nghệ thuật khác không thể làm được.
Thử xem xét trường hợp của tác giả số nhất số nhị của Nhật Bản: Hayao Miyazaki. Chỉ bằng nét vẽ hoạt hình 2D truyền thống và tái sinh những thần thoại cũ mèm, những câu chuyện hoạt hình của H. Miyazaki đã phản ánh nhiều vấn đề bức thiết nhất của thế giới đương đại. Là một người theo thuyết “môi trường luận”, các tác phẩm của ông thường xuyên đề cập đến mối quan tâm chung mang tính toàn cầu, đó là mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, song lại được ẩn giấu dưới những câu chuyện vô cùng sinh động, hấp dẫn và giàu màu sắc. Với những câu chuyện đa tầng bậc cùng với những thông điệp được thế hiện một cách khéo léo, tinh tế đến từng chi tiết, mỗi đối tượng độc giả của Miyazaki có thể hài lòng với những gì mình cảm nhận được tùy theo lứa tuổi và khả năng tri nhận: trẻ thơ thì thỏa sức vẫy cùng trong thế giới của trí tưởng tượng với những cuộc phiêu lưu dưới đáy biển cùng những cô bé, cậu bé Ponyo- Sosuke, phiêu lưu trong thế giới các vị thần với Chihiro, với lâu đài trên không cùng Sheeta và Pazuhay ngay trong thế giới hiện thực cùng với người hàng xóm Totoro dễ mến. Người lớn, nếu đam mê với những điều phức tạp hơn, nóng bỏng hơn, có lẽ cũng được dịp thỏa mãn bởi những cuộc chiến tranh, bởi những hận thù, bởi những cảm xúc tình yêu, bởi những trăn trở về sự trưởng thành, hay cả việc thế giới đương đầu với nguy cơ tuyệt diệt.
Hayao Miyazaki là một trường hợp. Từ trường hợp này có thể thấy, hoạt hình Nhật Bản, ngoài việc có chung một hình thức với hoạt hình của Mĩ, mà tiêu biểu là hoạt hình Walt Disney, thì có một sự khác biệt rất lớn về cách thức tiếp cận và thể hiện. Vấn đề nằm ở chỗ, tất cả những chủ đề có trong hoạt hình Nhật Bản là những điều khán giả phương Tây đã vô cùng quen thuộc trong phim diễn xuất. Song, có thể thấy rất rõ, việc kế thừa nhiều đặc điểm mang tính truyền thống đặc trưng của văn hóa Nhật Bản khiến cho hoạt hình Nhật Bản hồ như trở thành một sản phẩm văn hóa mang tính địa phương trong thế “đối nghịch” với cái gọi là văn hóa toàn cầu, nghĩa là một cái gì đó bị xem như kì quặc; hoặc phải chấp nhận bị đồng hóa vào chủ nghĩa toàn cầu hóa đang làm bá chủ.
Nhưng có một thực tế là, hoạt hình Nhật Bản đã chứng minh rằng nó hoàn toàn có khả năng trở thành một hiện tượng văn hóa toàn cầu, cả về sức mạnh thương mại lẫn thành công với tư cách một nghệ thuật, chứ không chỉ là một sản phẩm mang tính địa phương nhỏ bé, kém ưu thế cũng như sức ảnh hưởng. Một mặt, đứng bên ngoài như một sự kháng cự ngầm ẩn đối với văn hóa đại chúng, mặt khác hoạt hình Nhật Bản, bất chấp nguồn gốc của mình, càng ngày càng gây ảnh hưởng rộng rãi bằng việc xâm nhập và mở rộng thị trường bên ngoài biên giới quốc gia. Trong khi Mĩ sản sinh ra một nền văn hóa hoạt hình cho trẻ thơ mang tính phổ biến toàn cầu từ những câu chuyện cổ tích thần tiên thì hoạt hình Nhật Bản (dù ý thức hay không về một giá trị đặc trưng của văn hóa, đó là sự khác biệt) nổi bật chính nhờ một phương diện, đó là sự khác biệt so với văn hóa đại chúng Mĩ.
Về mặt tự sự, hoạt hình Nhật Bản không thỏa hiệp trong những câu chuyện, trong những cách kể có thể chấp nhận được, hay làm thỏa mãn (số đông) người xem bằng sự dễ chịu, hài lòng. Ngược lại, nó mang đến những câu chuyện với những chủ đề mang tính thách thức, với những tuyến truyện phức tạp, với những nhân vật đa chiều kích hoặc giàu tính biểu tượng, có tính khiêu khích đối với những khán giả vốn đã quen với những câu chuyện đèm đẹp có thể dự đoán trước của hoạt hình Walt Disney. Thêm nữa, giọng kể, nhịp điệu kể, hình ảnh, các yếu tố hài hước phong phú (chưa kể đến phương diện tâm lí, cảm xúc) đều đạt đến một gam rộng hơn, đa sắc hơn cho thấy chiều sâu đa tầng bậc của một văn bản như một mã văn hóa, chứ không chỉ mang tính giải trí đơn thuần, nhất thời. Có những tác phẩm, thậm chí giọng kể vô cùng u ám, các hình thức giễu nhại hoặc yếu tố hài hước đen được sử dụng một cách đậm đặc như Game Mind (2004) của đạo diễn Yuasa Masaaki [được chiếu gần đây trong liên hoan phim hoạt hình Nhật Bản tại Việt Nam] khiến cho những khán giả vốn coi hoạt hình chỉ duy nhất là địa hạt của trẻ thơ, của sự ngây thơ phải giật mình ngạc nhiên, thậm chí sốc. Một lối tư duy ngù ngờ về sự phức tạp và đa dạng, cũng như quyền hạn vô biên của các hình thức nghệ thuật chắc hẳn vô cùng hoang mang khi phải đối diện với cái gọi là chủ đề về “sự trưởng thành” xuất hiện với tần suất dầy đặc trong hoạt hình Nhật Bản.
Nói như vậy để thấy rằng, không thể quy hoạt hình Nhật Bản đơn giản là một ngành công nghiệp giải trí hay một loại hình nghệ thuật, một sản phẩm văn hóa đại chúng [tại Nhật] hay một sản phẩm văn hóa địa phương so với văn hóa toàn cầu. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn có thể khẳng định rằng, hiện nay, hoạt hình Nhật Bản vẫn đang thu bội thành công trong một tư thế vừa khẳng định ưu thế của sự khác biệt so với văn hóa thống trị toàn cầu bằng một phong cách sáng tạo đặc trưng và hiện vẫn đang có sức bùng nổ về thương mại. Công chúng Mĩ cũng phải hồi hộp chờ đón sự ra mắt của sản phẩm mới nhất của studio hoạt hình danh tiếng số một ở Nhật- Studio Ghibli. Với những nhà sáng tạo ở khắp mọi nơi trên thế giới, hoạt hình Nhật Bản vừa khơi gợi khát khao vươn tới song cũng dễ làm nản lòng; tuy thế vẫn như một lời thách thức ngang ngạng và đầy hấp lực.
Tuệ Anh
Nguồn: Văn nghệ trẻ, Số 29- 2011
Cùng chung số phận với điện ảnh, hoạt hình ban đầu chỉ được coi như một hình thức giải trí thuần túy. Nó ra đời, bên cạnh bệ phóng là sự phát triển của công nghệ, còn bởi nhu cầu giải trí của một lớp công chúng thành thị đã không chỉ thỏa mãn với những loại hình nghệ thuật truyền thống. Nhưng cũng chính vì thế, trong mắt những người hoạt động và phê bình nghệ thuật, hoạt hình chỉ được xem như một hiện tượng văn hóa ngoại biên, hơn nữa lại chỉ là địa hạt của trẻ thơ. Bản thân công chúng cũng hài lòng rằng: họ đang giải trí chứ không cần một thứ quá nghiêm túc; trẻ thơ thì chỉ cần vui cười với những pha hài hước và những kết thúc có hậu truyền thống của cổ tích. Vậy thì, một câu hỏi đặt ra là, vậy chừng nào cơn khát của thị trường được thỏa mãn và thị hiếu của công chúng thay đổi thì phim hoạt hình sẽ đến hồi cáo chung, cũng như rất nhiều những hiện tượng văn hóa khác? Hay bản thân nó cũng sẽ trở thành một “nghệ thuật”, như trường hợp của tiểu thuyết, của điện ảnh và xâm nhập vào địa hạt của “giả tưởng văn hóa bậc cao”, thậm chí soán ngôi của một loại hình nào đó trên nấc thang phân cấp?Cái “giả tưởng văn hóa bậc cao”, sở dĩ nói như thế vì, nó tồn tại dựa trên sự đồng thuận về giá trị được đề xuất bởi một nhóm nào đó. Song, ai cũng biết rằng, giá trị ấy là một tình huống hoàn toàn có thể thay đổi. Nó không phải là một thứ bất biến mà khả biến.. Ở Nhật Bản, những thập kỉ cuối của thế kỉ XX, cái khả biến ấy đã thành hiện thực khi phim hoạt hình dần dần được xem như một hình thức nghệ thuật đầy thách thức về mặt trí tuệ và kích thích sự sáng tạo vô biên. Tạm quên đi cái gọi là sự phân tầng giữa văn hóa bác học và văn hóa đại chúng, phim hoạt hình, ở đây, bất chấp ranh giới hay định kiến, đã chứng tỏ sức sống của nó với tư cách một loại hình nghệ thuật độc lập, hay một loại văn bản như là một mã văn hóa.
Nội trong đường biên giới Nhật Bản, hoạt hình sơ khai cũng là một hình thức được xây dựng dựa trên truyền thống nghệ thuật dân tộc là Kabuki (tranh khắc gỗ – những hình thức mà khởi nguyên cũng được coi như một hiện tượng văn hóa đại chúng, thuộc về số đông); song song với việc sử dụng những hình thức nghệ thuật hiện đại của thế kỉ XX như nhiếp ảnh, điện ảnh đồng thời chịu ảnh hưởng không nhỏ của một hình thức cũng gây tranh cãi khác về mặt “giá trị” là manga. Chưa kể, một nguồn vô tận cho các ý tưởng kịch bản hoạt hình là văn chương, mà ở đó, người xem cũng có thể tìm thấy một sự gần gũi, một niềm thích thú hồ như vô tận khi đắm mình trong những thế giới tưởng tượng, bất chấp việc được thể hiện bằng hình thức nào. Hoạt hình Nhật Bản, vì thế, không chỉ là một phương tiện giải trí mới mẻ dành cho đông đảo các đối tượng khán giả ở cấp độ cơ bản, phổ thông mà còn chuyển hướng người xem đến những cấp độ khác, kích thích trí tưởng tượng và khơi gợi những cảm xúc thẩm mĩ ở cấp độ cao hơn; khuyến khích người xem suy nghĩ về những vấn đề của xã hội đương đại theo cách rất hấp dẫn mà thậm chí những hình thức nghệ thuật khác không thể làm được.
Thử xem xét trường hợp của tác giả số nhất số nhị của Nhật Bản: Hayao Miyazaki. Chỉ bằng nét vẽ hoạt hình 2D truyền thống và tái sinh những thần thoại cũ mèm, những câu chuyện hoạt hình của H. Miyazaki đã phản ánh nhiều vấn đề bức thiết nhất của thế giới đương đại. Là một người theo thuyết “môi trường luận”, các tác phẩm của ông thường xuyên đề cập đến mối quan tâm chung mang tính toàn cầu, đó là mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, song lại được ẩn giấu dưới những câu chuyện vô cùng sinh động, hấp dẫn và giàu màu sắc. Với những câu chuyện đa tầng bậc cùng với những thông điệp được thế hiện một cách khéo léo, tinh tế đến từng chi tiết, mỗi đối tượng độc giả của Miyazaki có thể hài lòng với những gì mình cảm nhận được tùy theo lứa tuổi và khả năng tri nhận: trẻ thơ thì thỏa sức vẫy cùng trong thế giới của trí tưởng tượng với những cuộc phiêu lưu dưới đáy biển cùng những cô bé, cậu bé Ponyo- Sosuke, phiêu lưu trong thế giới các vị thần với Chihiro, với lâu đài trên không cùng Sheeta và Pazuhay ngay trong thế giới hiện thực cùng với người hàng xóm Totoro dễ mến. Người lớn, nếu đam mê với những điều phức tạp hơn, nóng bỏng hơn, có lẽ cũng được dịp thỏa mãn bởi những cuộc chiến tranh, bởi những hận thù, bởi những cảm xúc tình yêu, bởi những trăn trở về sự trưởng thành, hay cả việc thế giới đương đầu với nguy cơ tuyệt diệt.
Hayao Miyazaki là một trường hợp. Từ trường hợp này có thể thấy, hoạt hình Nhật Bản, ngoài việc có chung một hình thức với hoạt hình của Mĩ, mà tiêu biểu là hoạt hình Walt Disney, thì có một sự khác biệt rất lớn về cách thức tiếp cận và thể hiện. Vấn đề nằm ở chỗ, tất cả những chủ đề có trong hoạt hình Nhật Bản là những điều khán giả phương Tây đã vô cùng quen thuộc trong phim diễn xuất. Song, có thể thấy rất rõ, việc kế thừa nhiều đặc điểm mang tính truyền thống đặc trưng của văn hóa Nhật Bản khiến cho hoạt hình Nhật Bản hồ như trở thành một sản phẩm văn hóa mang tính địa phương trong thế “đối nghịch” với cái gọi là văn hóa toàn cầu, nghĩa là một cái gì đó bị xem như kì quặc; hoặc phải chấp nhận bị đồng hóa vào chủ nghĩa toàn cầu hóa đang làm bá chủ.
Nhưng có một thực tế là, hoạt hình Nhật Bản đã chứng minh rằng nó hoàn toàn có khả năng trở thành một hiện tượng văn hóa toàn cầu, cả về sức mạnh thương mại lẫn thành công với tư cách một nghệ thuật, chứ không chỉ là một sản phẩm mang tính địa phương nhỏ bé, kém ưu thế cũng như sức ảnh hưởng. Một mặt, đứng bên ngoài như một sự kháng cự ngầm ẩn đối với văn hóa đại chúng, mặt khác hoạt hình Nhật Bản, bất chấp nguồn gốc của mình, càng ngày càng gây ảnh hưởng rộng rãi bằng việc xâm nhập và mở rộng thị trường bên ngoài biên giới quốc gia. Trong khi Mĩ sản sinh ra một nền văn hóa hoạt hình cho trẻ thơ mang tính phổ biến toàn cầu từ những câu chuyện cổ tích thần tiên thì hoạt hình Nhật Bản (dù ý thức hay không về một giá trị đặc trưng của văn hóa, đó là sự khác biệt) nổi bật chính nhờ một phương diện, đó là sự khác biệt so với văn hóa đại chúng Mĩ.
Về mặt tự sự, hoạt hình Nhật Bản không thỏa hiệp trong những câu chuyện, trong những cách kể có thể chấp nhận được, hay làm thỏa mãn (số đông) người xem bằng sự dễ chịu, hài lòng. Ngược lại, nó mang đến những câu chuyện với những chủ đề mang tính thách thức, với những tuyến truyện phức tạp, với những nhân vật đa chiều kích hoặc giàu tính biểu tượng, có tính khiêu khích đối với những khán giả vốn đã quen với những câu chuyện đèm đẹp có thể dự đoán trước của hoạt hình Walt Disney. Thêm nữa, giọng kể, nhịp điệu kể, hình ảnh, các yếu tố hài hước phong phú (chưa kể đến phương diện tâm lí, cảm xúc) đều đạt đến một gam rộng hơn, đa sắc hơn cho thấy chiều sâu đa tầng bậc của một văn bản như một mã văn hóa, chứ không chỉ mang tính giải trí đơn thuần, nhất thời. Có những tác phẩm, thậm chí giọng kể vô cùng u ám, các hình thức giễu nhại hoặc yếu tố hài hước đen được sử dụng một cách đậm đặc như Game Mind (2004) của đạo diễn Yuasa Masaaki [được chiếu gần đây trong liên hoan phim hoạt hình Nhật Bản tại Việt Nam] khiến cho những khán giả vốn coi hoạt hình chỉ duy nhất là địa hạt của trẻ thơ, của sự ngây thơ phải giật mình ngạc nhiên, thậm chí sốc. Một lối tư duy ngù ngờ về sự phức tạp và đa dạng, cũng như quyền hạn vô biên của các hình thức nghệ thuật chắc hẳn vô cùng hoang mang khi phải đối diện với cái gọi là chủ đề về “sự trưởng thành” xuất hiện với tần suất dầy đặc trong hoạt hình Nhật Bản.
Nói như vậy để thấy rằng, không thể quy hoạt hình Nhật Bản đơn giản là một ngành công nghiệp giải trí hay một loại hình nghệ thuật, một sản phẩm văn hóa đại chúng [tại Nhật] hay một sản phẩm văn hóa địa phương so với văn hóa toàn cầu. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn có thể khẳng định rằng, hiện nay, hoạt hình Nhật Bản vẫn đang thu bội thành công trong một tư thế vừa khẳng định ưu thế của sự khác biệt so với văn hóa thống trị toàn cầu bằng một phong cách sáng tạo đặc trưng và hiện vẫn đang có sức bùng nổ về thương mại. Công chúng Mĩ cũng phải hồi hộp chờ đón sự ra mắt của sản phẩm mới nhất của studio hoạt hình danh tiếng số một ở Nhật- Studio Ghibli. Với những nhà sáng tạo ở khắp mọi nơi trên thế giới, hoạt hình Nhật Bản vừa khơi gợi khát khao vươn tới song cũng dễ làm nản lòng; tuy thế vẫn như một lời thách thức ngang ngạng và đầy hấp lực.
Tuệ Anh
Nguồn: Văn nghệ trẻ, Số 29- 2011