CHUYẾN XE BUÝT SỐ 8
Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Bình
Buổi sáng, trước khi ra khỏi nhà, anh lục hết mấy túi quần, thở dài lôi ra mớ tiền lẻ quăn queo nhăn nhúm, nhặt mấy tờ nhét vào giỏ đứa em trai, còn mấy tờ đút túi mình. Hôm nay nữa mà không kiếm được gì, mai hai anh em nhìn nhau chết đói.
Xe buýt số 8 chưa dừng hẳn, cả đám người nhào lên. Người trên xe mắc kẹt chưa bước được xuống đường, kêu oai oái. Anh phụ lôi một bà xuống, làu bàu: “Chen lấn, làm mồi cho trộm cướp!”.
Bà khách trung niên quay ngoắt:
- Chả biết ai mới là cướp!
Anh nhẫn nhịn lên xe, nhận được ánh mắt nghi ngại từ một cô bé chừng tám tuổi. Lúc anh nâng tay lên nắm sợi dây, tay anh run bắn chạm vào đầu con bé.
Anh, và cả con bé đều thấy, lúc anh đưa ra mấy tờ bạc đen nhẻm, anh chàng phụ xe nhăn mặt, giật mạnh lấy như sợ anh đổi ý không mua vé nữa. Một phần ba số tiền anh có đã ra đi như thế.
Qua chừng ba bến, bà bác ngồi phía trong cô bé xuống xe. Cô bé nhích người vào trong, bỗng nhìn anh như muốn gọi anh ngồi. Anh nhìn quanh, thấy có ông chú đang đứng phía sau, anh làm động tác nhường ghế. Ông chú lắc đầu:
- Tui xuống giờ đây!
Anh ngồi xuống ghế, thoáng thấy con bé mỉm cười.
Thêm hai bến, khách lên khá đông, chừng sáu bảy người, đa phần thanh niên, có một bà già với một ông chú. Anh lại đứng dậy lần nữa, cũng ngại mở miệng nói gì.
Đám thanh niên đứng sau anh cười nói ầm ĩ, chúng văng tục, nói tiếng lóng vô tư như ở nhà mình. Xe không chật lắm, mỗi khi tài xế thắng gấp, chúng lại đu mình trên những sợi dây bám, nhào về phía trước rồi cười hô hố.
Chúng chừng tuổi em trai anh. Chắc giờ này nó đã ngủ dậy. Đêm qua nó thức tới ba giờ sáng, thằng nhóc này ham học, chưa đêm nào nó ngủ trước hai giờ sáng. Còn hai năm nữa, không biết anh có ráng được mà lo cho nó. Trăm thứ tiền, cái gì cũng quy ra tiền. Hơn tháng nay hai anh em không biết mùi vị của thịt cá, chỉ rau luộc với chén mắm ớt đỏ cay xé lưỡi với nồi cơm gạo nở.
Có lần, thằng em anh giỡn:
- Anh muốn cấm em nói chuyện trong bữa ăn hả?
Anh ngạc nhiên:
- Anh em cả ngày có bữa tối mới gặp nhau, nói chuyện cho vui, cấm chi?
- Tại em thấy anh mua gạo xốp quá, mở miệng ra sợ nó bay ra ngoài.
Hai anh em nhìn nhau cười ha hả, thằng nhóc quả lém lỉnh. Mệt mỏi mấy, khi về nhìn thấy nó là anh quên hết.
Những ngày sau này, gạo nở cũng chẳng còn mà ăn. Hai anh em đã chuyển sang món mì gói bán ký, ơn trời có bà bán rau trong chợ thường gọi nhóc em cho mớ rau ế, có khi còn cho thêm trái chanh, trái ớt.
Có thứ gì cà cà phía sau anh. Anh cảnh giác nhích lên, chỉ được ít phút lại cà cà. Anh liếc mắt nhìn quanh, thoáng thấy nét mặt căng cứng của cô gái ngồi phía sau. Anh rùng mình, báo chí đã nói nhiều về nạn móc túi trên xe buýt, không ngờ cũng có ngày anh tận mắt thấy.
Cái bóp của anh, trong đó có hầm bà lằng thứ. Có chứng minh, mấy tấm danh thiếp của mấy ông chủ thầu hay kêu anh đi làm. Mấy tờ lịch nhỏ ghi số điện thoại. Quan trọng nhất là hai tấm hình, một của ba má, một của hai anh em lúc nhỏ. Hình đã cũ lắm, anh luôn mang theo bên mình, mỗi khi rảnh rảnh lại lấy ra xem, nói chuyện với ba má. Chắc ở trên đó ba má cũng nghèo nên chưa phù hộ gì cho hai anh em dưới này.
Cùng với mấy tờ tiền lẻ nhàu nhĩ...
Cái bóp của anh vì vậy khá dày, có lẽ nào...
Anh vung tay, túm lấy bàn tay đang sờ túi quần mình. Anh nhìn thẳng vào kẻ đứng sau mình, kinh ngạc là nó không hề sợ hãi, mặt nhơn nhơn, thậm chí còn nhếch mép nhìn anh cười.
Kinh ngạc hơn, nó buông luôn tay kia, thản nhiên rút cái bóp đã rút ra được một nửa. Có tiếng hít thở khó khăn của ai đó. Bỗng chốc anh như tê dại.
Nghĩ đến hình ba má sẽ không bao giờ tìm lại được, hình thuở bé của hai anh em, những đồng tiền cuối cùng, dù không đủ cho anh kêu dĩa cơm bụi trưa nay nhưng cũng đủ cho anh đi chuyến xe buýt cuối về với thằng em.
Anh gầm lên:
- Con bà mày. Hết người để móc túi rồi à?
Đầu gối anh co lên, hết sức bình sinh. Khuỷu tay dập xuống. Thằng cướp đờ mặt, từ từ xụi lơ, có tiếng thét chói tai, tiếng khóc thút thít, tiếng trẻ con, tiếng xô đẩy đòi xuống xe... Trong những tiếng ồn ấy, anh không nghe thấy tiếng thét của cô bé gái bên cạnh. Anh chỉ thấy đau nhói một cái phía sau lưng, mắt chợt mờ đi, cũng còn thấy có ai đó, không phải một người, nhào tới...
Khi anh mở mắt, đã sau thời gian ấy ba ngày. Anh thấy xung quanh mình toàn màu trắng, anh thấy lưng mình, cả người mình đau nhức...
Có tiếng reo đâu đó bên cạnh, chỉ một lát, đám người ùa vào. Có bác sĩ, có y tá, có người đeo bảng tên, có người cầm máy ảnh...
Anh lơ mơ nghe người ta nói mình là anh hùng. Hôm đó, nhờ có anh, băng móc túi chuyên nghiệp trên xe buýt đã bị bắt. Chúng hoành hành khá lâu nhưng không ai có can đảm trấn áp cũng như tố cáo.
Thằng em anh diện cái áo mới tinh, nó cười tươi rói:
- Người ta tới thăm anh quá chừng, báo nào cũng có hình anh hết trơn - nó vỗ vỗ chồng báo dày trên đầu tủ - Hình ba má mình cũng được lên báo, có người trả viện phí cho anh, còn ông gì chủ thầu nói khi nào anh khỏe đến tìm ổng...
Anh nghe mà lùng bùng. Mọi chuyện cứ như một giấc mơ. Phải chăng anh đang mơ?
Có lẽ anh mơ thật, vì anh thấy mình lại leo lên tuyến xe buýt số 8, thấy cô bé gái hôm trước đang nhìn mình mỉm cười. Chìa ra mấy tờ bạc lẻ mua vé, anh ngượng nghịu cười đáp lại, lòng vẫn chút băn khoăn: không biết hôm đó, cô bé có nghe thấy anh đã... chửi thề?