Tình hình Biển Đông có thể sẽ lắng dịu trong ngắn hạn khi các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực này đang thương thuyết để đạt được Bộ quy tắc ứng xử (COC) với Trung Quốc. Đó là nhận định của Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) hôm 5/1.
Tình hình Biển Đông sẽ lắng dịu cho đến khi tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc về Luật Biển bắt đầu xét xử đơn kiện của Philippines
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia khu vực nổi tiếng này, tình hình có thể thay đổi vào giữa năm khi tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc về Luật Biển bắt đầu xét xử đơn kiện của Philippines về tính hợp pháp trong yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết vùng biển này.
Hiện tại, có ít nhất bốn cuộc họp thương lượng về COC giữa Trung Quốc và các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã được lên kế hoạch tổ chức vào đầu năm nay.
Theo Giáo sư Carl Thayer, các thành viên ASEAN sẽ tự kiềm chế để không tác động tới mục tiêu nhắm tới, bởi đang có hy vọng đạt được COC.
Trong nhiều năm qua, ASEAN đã hối thúc các bên đạt được một bộ quy tắc có tính ràng buộc pháp lý, vạch ra những quy định hành xử để ngăn ngừa nguy cơ xung đột bùng phát trên vùng biển tranh chấp. Trong khi đó, Trung Quốc luôn tìm cách né tránh đàm phán COC và khăng khăng rằng, tranh chấp lãnh thổ nên được giải quyết song phương. Tuy nhiên, quan điểm của Bắc Kinh đã bắt đầu thay đổi vào năm ngoái. Tháng 9/2013, Trung Quốc và các nhà ngoại giao cao cấp của ASEAN đã tổ chức một cuộc tham vấn đầu tiên về COC tại thành phố Tô Châu.
“Dù muộn nhưng Trung Quốc đã phát hiện ra rằng, bộ quy tắc ứng xử thực sự giống như những gì họ đang thúc đẩy, cụ thể là đặt các tranh chấp sang một bên và tập trung vào hợp tác”, Oh Ei Sun - chuyên gia cao cấp tại Trường nghiên cứu quan hệ quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho hay.
Tuy nhiên, đến ngày 30/3/2014, Philippines sẽ phải đệ trình trước Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc về Luật Biển những lập luận chống yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển trong phạm vi cái gọi là “đường 9 đoạn”, mà theo đó “ôm trọn” gần hết Biển Đông.
Tòa án quốc tế sau đó sẽ gửi đến Trung Quốc một văn kiện để yêu cầu Trung Quốc trả lời.
Nếu Bắc Kinh không trả lời, thì theo Giáo sư Thayer, tòa án sẽ sớm đưa ra quyết định. Tuy nhiên, đây là một việc chưa có tiền lệ và ông Thayer cũng không rõ câu chuyện sẽ diễn tiến ra sao và kết thúc như thế nào.
Theo Dân Trí