Ngày 14/5, tờ Thời báo Hoàn cầu đăng bài "Việt Nam nếu muốn nếm lại bài học lịch sử, họ sẽ có ngày được toại nguyện". Một lần nữa “cái loa” này lại giở giọng đe dọa khi cho rằng: Trung Quốc “hiểu rất rõ” và “có rất nhiều kinh nghiệm” trong việc đối phó với Việt Nam!? Đồng thời tìm cách đánh lừa dư luận, vu cáo trắng trợn, nhưng không thể giấu nổi dã tâm bành trướng, xâm lược. Bởi bài báo trắng trợn xuyên tạc rằng, Mỹ tập trung bao nhiêu cho Biển Đông cũng không thể hỗ trợ nổi “tham vọng lãnh thổ” ở Biển Đông của Philippines và Việt Nam; đồng thời hung hăng cho rằng, Trung Quốc sẽ khiến Việt Nam “vỡ mộng”!?
Giáo sư Dennis McCornac thuộc Đại học Loyola Maryland, Mỹ cảnh báo, càng manh động quân sự, cái giá Trung Quốc phải trả sẽ càng đắt. Tiến sĩ Euan Graham nhận định, nếu tình hình căng thẳng đến mức phải động thủ, điều Bắc Kinh không muốn thấy nhất sẽ thành hiện thực: vấn đề Biển Đông được quốc tế hóa.
Ngày 14/5, hãng Kyodo dẫn lời Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice cảnh báo, Trung Quốc sẽ bị cô lập trong bối cảnh các quốc gia châu Á ngày càng quan ngại tới cuộc đối đầu căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam tại Biển Đông. Bà Susan Rice cũng hối thúc Trung Quốc giải quyết những tranh chấp thông qua các cơ chế của luật pháp quốc tế.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng công suất lớn vào tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.
Cũng trong ngày 14/5, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney tuyên bố, tuy Mỹ không phải một bên tranh chấp, nhưng Tổng thống Barack Obama đã nhiều lần nhấn mạnh nhu cầu đối thoại hòa bình về các tranh chấp khác nhau liên quan đến Trung Quốc trên Biển Đông. Trước đó (13/5), Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, việc Trung Quốc có các hành động khiêu khích, gây căng thẳng ở Biển Đông là quan điểm và nhìn nhận của nhiều nước, không phải riêng Washington.
Chiều 14/5, khi được hỏi về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Chuẩn Đô đốc Pascal Ausseur, Vụ phó phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Vụ phát triển quốc tế, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, Liên minh châu Âu đã ra tuyên bố về tình hình Biển Đông, chính thức bày tỏ quan ngại về hành động này và Pháp là một trong những nước đi đầu trong việc soạn thảo tuyên bố này.
Cũng trong ngày 14/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp đã bày tỏ quan ngại về những vụ đụng độ gần đây và căng thẳng đang diễn ra tại Biển Đông. Paris kêu gọi các bên kiềm chế và giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình và đối thoại.
Giới truyền thông ở Hongkong cho biết, đảng đối lập tại Đài Loan đã chỉ trích việc Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Chủ tịch đảng Dân tiến Tô Trinh Xương cho rằng, việc làm của Bắc Kinh đã gây ra xung đột nghiêm trọng trên biển, Mỹ cũng đã chỉ trích Trung Quốc có hành động gây hấn. Giới truyền thông cũng cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục hành động đơn phương leo thang nguy hiểm hơn trong khu vực cho đến khi vấp phải phản kháng phù hợp, dù là ngoại giao hay quân sự.
Ngày 14/5, các tổ chức hội đoàn dân sự Philippines tuyên bố, sẽ biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila để bày tỏ sự ủng hộ Hà Nội, phản đối nhà cầm quyền Bắc Kinh kéo giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Dự kiến sẽ có khoảng 500 người tham gia biểu tình chống Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông, trong đó có một số Việt kiều tại Philippines. Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Roilo Golez cảnh báo, nếu Trung Quốc "uy hiếp được Việt Nam", mục tiêu tiếp theo sẽ là vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Cũng trong ngày 14/5, trang mạng của Limes, tạp chí địa-chính trị có uy tín nhất Italia đăng bài viết của tác giả Giorgio Cuscito cho rằng, Trung Quốc đang đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông. Bởi Trung Quốc muốn tìm kiếm các nguồn năng lượng để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế. Theo ước tính, Biển Đông có khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối (7 nghìn tỷ m3) khí đốt tự nhiên. Nhưng theo thông báo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA), các khu vực tranh chấp ở Biển Đông ít có dầu khí, thậm chí quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn không có dầu mỏ, chỉ có một ít khí tự nhiên.
Theo Petrotimes.vn