“Tại sao lại gọi là Dốc Mây”, “chắc tại bản đó lắm Dốc và nhiều Mây”. Tôi vừa cười vừa trả lời câu hỏi của một bạn tình nguyện viên trong câu lạc bộ khi chúng tôi đang dò đường bám đá để gùi lương thực vào bản thực hiện chương trình “Xuân yêu thương”.
Lên kế hoạch cho chương trình cả tháng, khi quyết định chọn bản Dốc Mây để thực hiện chương trình ai cũng dọa không nên đi, nhiều người khuyên chọn một bản khác trong khu vực chứ đừng chọn Dốc Mây. Đúng là trăm nghe không bằng một thấy, có đi mới biết được thế nào là Dốc Mây. Chuẩn bị tâm lý và tinh thần cả tháng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước con đường vào bản, đó là con đường mòn hẹp trong khu rừng hiểm trở, nhiều dốc cao, đá tai mèo lởm chởm, nhiều đoạn phải bám vào vách núi cheo leo, có đoạn phải lội suối nước dâng lên tận đùi, ướt sũng quần áo.
Đang ngồi sau xe máy thì bị giật mình vì câu nói “Ôi có một con bò”, tôi cãi “con trâu mà”… Thương cho bạn chủ nhiệm, trời tối quá còn không phân biệt rõ là con trâu hay con bò nữa. Cũng phải, 4 giờ sáng trời mùa đông, đã lạnh rồi còn sương mù giăng kín đường, những áng mây trắng xóa còn quấn quanh những ngọn núi cao chót vót, ánh sáng duy nhất là 4 cái đèn xe thay nhau dẫn lối, hai bên đường rừng cây hoang vu thì không nhầm sao được. May là câu chuyện con đười ươi chuyên chặng xe người qua đường (đặc biệt là phụ nữ) ở Thác Voi (trên đường Trường Sơn lên trung tâm) chưa đến tai cả đoàn lúc này. (*).
Đi đường đã vất vả, 2 tiếng chạy xe lên trung tâm xã, muốn tìm một cái quán ăn sáng lại càng khó hơn, lần thứ 3 lên nơi này rồi mà vẫn cứ bị bỡ ngỡ. Ghé vào một nhà dân hỏi nhà anh bí thư Đoàn xã thì lại hỏi đúng nhà của anh, mới thật là thú vị! Đi Từ trung tâm xã Trường Sơn phải chạy xe mất 10km nữa mới đến được nơi gửi xe để xuất phát vào Dốc Mây.
“Từ đây đi vào Dốc Mây phải đi bằng bốn tay”, một bác người đồng bào nói với chúng tôi như thế, tôi hiểu, “bốn tay” mà bác nói đó bao gồm 2 chân luôn, có nghĩa là có những đoạn đường chúng tôi phải bò để bám đá cho khỏi trơn mới vượt qua được. Đi người không vào bản đã khó, đằng này còn bao nhiêu lương thực phải gùi, cảm thấy hoang mang lắm, nhưng đâu đó lại nghe đôi câu “quyết định đi nhé đừng bàn lùi”, “biết là sẽ vất vả nhưng các bạn không ai được nản chí, phải hình thành tư tưởng ngay bây giờ là khó mấy cũng đi”. Chúng tôi bắt đầu xuất phát. Các bạn nam trách nhiệm gùi hàng hóa, các bạn nữ thì cho hết lương thực vào balo mang trên vai và ôm thêm vài thùng mì tôm. Chúng tôi bám sát nhau, bặm người trèo qua những tảng đá tai mèo sắc nhọn để băng qua con khe với những khối đá khổng lồ án ngữ cả lối đi.
Nhìn những bao tải các anh mang sau lưng mà thấy xót lòng. Lúc đầu các bạn nữ mỗi người ôm 2 thùng mì tôm, vào sâu một đoạn thì không có tay bám đá để đi, các anh đành kiêm luôn, hình ảnh chàng trai thành phố, lưng gùi một bao tải hàng, 2 tay nách 2 thùng mì tôm cứ thế lội suối băng rừng mới thấy các anh thật phi thường. Tôi đi sau, lâu lâu lại hỏi “anh ơi, nặng lắm không”, anh cười tươi “không có gì”, đoạn đường nào khó các anh còn đứng đợi để đỡ chúng tôi qua.
Dọc đường đi không ít phen hú vía, tim như sắp nhảy ra khỏi lồng ngực khi có anh bị trượt chân, cô bé TNV bị ướt sũng vì ngã xuống suối nước giữa mùa đông lạnh buốt. Lồng ngực cứ phập phồng vì sợ con vắt chui vào tất, nhảy vô người hút máu (@_@)
Đâu đó có tiếng vọng ra, “cố lên, người dân ra gần tới đây rồi”, người dân hôm qua vì được thông báo nên ra giúp đoàn gùi đồ vào bản. Mọi người quây quần trong vách núi, bao nhiêu đồ ăn, nước uống đi đường lôi ra chia cho dân, họ nhìn sự mệt nhọc của chúng tôi cười thông cảm. Xuất phát từ 5 giờ sáng, đến 9 giờ thì họ đón gặp chúng tôi tại khu rừng. Mọi người thống nhất trao quà cho dân tại đây, xong rồi tiếp tục đi vào bản xem cuộc sống của người dân như thế nào. Đứng ra tổ chức nhiều chương trình tình nguyện, chương trình nào cũng thành công viên mãn, nhưng chưa có chương trình nào lại phải trao quà cho dân trong rừng núi, khe suối như lần này ở chặng giữa của chương trình thế này. 19 suất quà (mì tôm, nước mắm, muối ăn, mì chính, dầu ăn, nước ngọt) và 40 cái áo mới được trao tận tay 19 hộ gia đình của bản Dốc Mấy.
Dở khóc dỡ cười trao quà xong chuẩn bị xuất phát tiếp tục vào Dốc Mây thì mới vỡ lẽ, người dân không quay vào bản mà đi ra trung tâm xã mua đồ đã rồi mới về, một lần đi là một lần khó. Các bác còn bảo chúng tôi cứ đi vào đi, “người dân đi ra hết rồi chúng tôi vào bản có ai trong đó đâu”, đành chúc bà con đón một cái Tết ấm áp rồi tạm biệt quay về. Lúc quay về, trên người nhẹ tênh, mới là lúc các bạn tranh thủ ghi lại và cảm nhận cảnh đẹp của đại ngàn Trường Sơn heo hút.
Lần thứ 2 trở lại Trường Sơn, nhưng lại có cảm giác háo hức chẳng khác gì chuyến tình nguyện đầu tiên, lần này không phải là Cổ Tràng khô cằn sỏi đá nữa mà thay vào đó là Dốc Mây heo hút đại ngàn. Không còn là những ánh nhìn lạ lẫm xoáy sâu và từng khuôn mặt chúng tôi nữa, thay vào đó là sự thân thiện và hòa đồng.
Chương trình thiện nguyện đầu tiên năm 2016 của câu lạc bộ. Chuyến đi với bao nhiêu nỗi lo, bao nhiêu điều cần gửi gắm, bao nhiêu nỗi niềm vẫn chưa trọn vẹn. Nhưng đã hoàn thành, đã vui chung niềm vui của người dân nơi đây! Xuân yêu thương 2016, Câu lạc bộ Hòa Bình Xanh Quảng Bình đã mang đến tấm lòng của các nhà hảo tâm, các Tình nguyện viên đến người dân nơi đây, tiếp lửa niềm tin vào cuộc sống, niềm tin vào chữ Nhân, tạo cơ hội cho mọi người có thể chung tay giúp đỡ những người nghèo về vật chất cũng như tinh thần.
Còn rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn đang cần chúng ta giúp đỡ, đôi khi chỉ là món quà nhỏ, bộ quần áo cũ, thậm chí chỉ đơn giản là vòng tay yêu thương của xã hội, đó đã là món quà vô giá đối với những người dân nghèo khổ. Vậy tại sao chúng ta – với lòng nhiệt huyết và sức trẻ của mình không làm một điều gì đó thật sự có ích, cuộc đời này, có cho đi, có sẻ chia rồi chúng ta sẽ nhận được niềm vui thật “tròn”.
Đơn giản lắm, cuộc sống là cứ cho đi thôi… chia sẻ cho nhau để bớt đi bất hạnh trong cuộc đời này!
Xíu