Câu lạc bộ tình nguyện Hòa Bình Xanh Việt Nam


(Tủ sách) Lại bàn về chế độ phong kiến Việt Nam

    phamtuananh9x
    phamtuananh9x
    Admin
    Admin
    Tên thật Tên thật : Phạm Tuấn Anh
    Đến từ Đến từ : Hà Nội

    (Tủ sách) Lại bàn về chế độ phong kiến Việt Nam Empty (Tủ sách) Lại bàn về chế độ phong kiến Việt Nam

    Bài gửi by phamtuananh9x 14/12/2012, 21:16

    LẠI BÀN VỀ CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN VIỆT NAM



    PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ



    Vấn đề đã được đặt ra nghiên cứu từ hơn nửa thế kỷ qua và đã được thảo luận, tranh cãi nhiều trong giới các nhà sử học. Tuy nhiên, như Engels nói, lịch sử luôn luôn cần phải viết lại. Thời nào cũng vậy, ôn cũ chính là để biết mới. Do vậy, những sự “phát hiện lại” lịch sử sẽ là điều không bao giờ thừa.

    Lịch sử vốn là phức tạp, khó nắm bắt. Một thực thể lịch sử luôn vừa là nó, vừa là cái khác nó. Những thể chế chính trị theo dòng thời gian, đã tồn tại trong những chu kỳ sinh-trụ-dị-diệt, trải qua những vận hội hưng vong, quá trình tha hoá và trượt đẩy (dérapage). Trong lịch sử, những thể chế đó thường trải qua ba giai đoạn kế tiếp: đã là một nhu cầu lịch sử nhưng chưa phải là hiện thực, nhu cầu đó trở thành hiện thực lịch sử, vẫn tồn tại như một thực tế lịch sử nhưng không còn là nhu cầu nữa. Edgar Morin đã nhắc nhở chúng ta cần phải biết tư duy cái phức. Một chế độ xã hội bao giờ cũng mang trong mình nó những nhân tố tích cực pha trộn với những nhân tố tiêu cực. Tuỳ lúc nó có thể là lực đẩy hoặc lực cản đối với sự phát triển của lịch sử. Chế độ phong kiến Việt Nam trong thời trung đại cũng chính là một trường hợp như thế.

    Việt Nam vốn là một nước nhỏ. Cái mạnh của văn hoá Việt Nam không phải ở chỗ đã khởi xướng, phát minh mà là ở khả năng thích ứng và biến hoá. Chế độ phong kiến Việt Nam với thiết chế quân chủ tập quyền là một mô hình ngoại nhập từ Trung Hoa, với nền văn hoá Đông Á, dưới hình thức cưỡng bức và tự nguyện. Mặt khác, chế độ đó đã được chỉnh sửa, đẽo gọt, thu nhỏ kích cỡ cho phù hợp với những điều kiện cụ thể, đặc thù của lịch sử, xã hội Việt Nam, vốn có một cơ tầng văn hoá Đông Nam Á. Đó là một hạt giống ngoại sinh, được gieo trồng và đơm hoa kết trái trên một mảnh đất và trong một khí hậu nội sinh.

    Từ đó, đã nẩy sinh và tồn tại một độ chênh lịch sử giữa phiên bản và nguyên bản. Trước hết, đó là độ chênh về thời gian tương ứng. Xưa kia, sự thẩm thấu văn hoá xuyên quốc gia thường diễn ra rất chậm chạp, có khi trải qua hàng thế kỷ. Hơn nữa các nhà cầm quyền lại ưa thích noi gương đời xưa theo tinh thần “tín nhi hiếu cổ”. Vì vậy những nho gia thời Lý - Trần thường hay viện dẫn, tán tụng các tư tưởng, nhân vật Trung Hoa thời Hán - Đường. Vua quan thời Lê - Nguyễn lại thường học tập, mô phỏng các thiết chế chính trị, luật pháp thời Tống - Minh. Điều đó đã dẫn đến một sự do dự, thiếu cập nhật, chậm trễ lịch sử trong việc nhận thức, hoạch định các chính sách cùng việc tiếp thu, quyết đoán những đổi mới, cải cách trước những thời cơ, vận hội lịch sử, ngay cả so với chính nguyên mẫu nước láng giềng Trung Hoa.

    Một biến cách khác là độ chênh về sắc thái chính thống. Mô hình thiết chế quân chủ tập quyền và hệ tư tưởng nho giáo Trung Hoa khi du nhập và phát triển ở mảnh đất Việt Nam, tất yếu và mặc nhiên đã bị biến thái, phai nhạt, lai tạp đi nhiều so với nguyên bản của nó ở quê hương Trung Hoa. Điều đó càng được khẳng định một khi nền văn hoá khởi thuỷ của Việt Nam đã dựa trên cơ tầng Đông Nam Á với nền tảng tư tưởng của Phật giáo và các tín ngưỡng dân gian, có vai trò đối trọng với hệ tư tưởng Nho giáo chính thống. Xưa kia, vua Trần Nghệ Tông đã đưa ra nhận xét: “Nam và Bắc bên nào cũng có vua nước ấy làm chủ, không cần bắt chước nhau”. Còn Nguyễn Trãi thì trịnh trọng tuyên bố: “Núi sông bờ cõi đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác”.

    Các nhà nghiên cứu thời nay thì bàn nhiều đến độ chênh lịch sử văn hoá đó thông qua các khái niệm “tiếp biến văn hoá”, “khúc xạ văn hoá”. Chịu ảnh hưởng và tiếp thu những thành tựu của một trung tâm văn hoá lớn như Trung Hoa, thích ứng và cải biến theo những điều kiện cụ thể của Việt Nam, đó là chuyện rất bình thường và cũng đáng để tự hào về bản lĩnh dân tộc rồi. Không cần thiết và cũng chẳng thêm hay gì khi chúng ta cố tình lớn tiếng, đề cao một “chế độ phong kiến”, một “thể chế quân chủ tập quyền, hoặc một Nho giáo độc đáo riêng của Việt Nam. Trên thực tế, những thiết chế chính trị, xã hội đó ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam đã có những nét cơ bản chung, rất giống nhau. Sự khác biệt chỉ là những tiểu dị trong đại đồng. Hay nói theo ngôn ngữ hiện đại, đó chỉ là những dạng của chế độ phong kiến, thể chế quân chủ tập quyền, hệ tư tưởng Nho giáo “mang màu sắc Trung Hoa” hoặc “màu sắc Việt Nam” mà thôi.

    Trong lịch sử cũng có những nhà vua Việt Nam nhiều năng lực và ý chí, tỏ ra rất nhiệt tình xây dựng và bảo vệ những mô hình thiết chế chính trị và hệ tư tưởng mang tính chính thống. Lê Thánh Tông muốn noi gương Hán Cao Tổ và Đường Thái Tông, đến lượt Minh Mệnh muốn noi gương Lê Thánh Tông. Cả hai vị vua đó đều tỏ ra “sùng Nho trọng Đạo”, “tuân kinh sử”, “pháp điển mô”, muốn lấy Nho giáo chính thống làm nguyên tắc tối cao và lá bùa hộ mệnh để xây dựng và bảo vệ chế độ, vương triều. Thậm chí vua Minh Mệnh còn tỏ ra rất tự hào rằng Nho giáo của vương triều mình là chính thống và vượt trội hơn cả Nho giáo Trung Hoa đương thời, vì nó đã được đúc rút ra từ những sách vở kinh điển, nguyên bản, trong khi Nho giáo Trung Hoa lúc đó đã bị biến chất và vận dụng sai lạc đi bởi ngoại tộc Mãn Thanh(!!).

    Sai lầm cơ bản của những nhà vua sùng tín này là cho dù xuất phát từ một ý định tốt, đã cố tình gò ép cái thực thể sinh động của đời sống xã hội vào mô hình cứng nhắc của những thiết chế chính trị và tư tưởng đã có sẵn, được xem là khuôn mẫu bất biến, chẳng khác gì những khung sắt của chiếc giường Procruste[1] oan nghiệt nổi tiếng.

    Kết quả là cả một vương triều thịnh trị Lê sơ đã mau chóng sụp đổ đúng 30 năm sau cái chết của nhà vua Lê Thánh Tông. Và vua Minh Mệnh - một Lê Thánh Tông cỡ nhỏ và trái mùa - thì đã thất bại trong việc đụng độ và ngăn chặn âm mưu xâm lược của tư bản phương Tây - lúc này là thực dân Pháp - đang kéo đến dòm ngó Việt Nam.

    Về mặt định tính, đại đa số các nhà sử học đều nhất trí rằng, chế độ xã hội dưới các vương triều quân chủ Việt Nam là chế độ phong kiến, được hình thành muộn nhất từ thế kỷ XI với vương triều Lý. Tuy nhiên, nội hàm của chế độ phong kiến này khá uyển chuyển, được hiểu và giải thích theo nhiều cách khác nhau. Vì vậy đã có những ý kiến cực đoan phủ nhận sự tồn tại của chế độ phong kiến ở Việt Nam, và cho rằng đó chỉ là một loại hình của “Phương thức sản xuất châu Á” dựa theo thuật ngữ của K.Marx. Vậy nên, ở đây chúng tôi xác định nội hàm chế độ phong kiến qua những thuộc tính quan trọng nhất, mang tính chất bao trùm. Có thể hiểu đó là một chế độ xã hội cơ bản dựa trên một nền sản xuất nông nghiệp thủ công và một chế độ địa tô của địa chủ nhà nước hoặc tư nhân. Theo những tiêu chí đó, chế độ xã hội của Việt Nam dưới các vương triều quân chủ là một chế độ phong kiến.

    Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: đó là loại hình chế độ phong kiến nào?. Chắc chắn rằng đó không phải là chế độ phong kiến của những lãnh chúa cát cứ như kiểu chế độ phong kiến Tây Âu thời sơ kỳ trung đại. Chế độ phong kiến Việt Nam ngay từ buổi đầu đã là một chế độ phong kiến nhà nước, trong đó yếu tố tập quyền ngày càng được tăng cường. Cũng như ở Trung Hoa, trong lịch sử Việt Nam đã tồn tại một chủ nghĩa nhà nước mang tính cực quyền toàn trị, với chức năng can thiệp và kiểm soát toàn diện các mặt đời sống của dân chúng, từ chính trị, kinh tế đến văn hoá tư tưởng. Chủ nghĩa nhà nước toàn trị này nếu như ở Trung Hoa đã là một công cụ để thống nhất quyền lực trong một đất nước rộng lớn, thì ở Việt Nam lại là một công cụ hữu hiệu để bảo vệ chủ quyền của một nước nhỏ, luôn luôn chịu những áp lực đe doạ của ngoại bang. Một triều đình tập quyền chuyên chế (điển hình là thời Lê sơ và thời Nguyễn) đứng ở bên trên và là tâm điểm một cộng đồng các làng xã tự quản, trên lý thuyết phần nào hàm chứa những yếu tố dân chủ, bình đẳng. Nhà vua là biểu tượng của uy quyền tối thượng và toàn năng đối với các thần dân, đồng thời là một người cha nghiêm khắc và nhân từ của dân chúng theo một chủ nghĩa thân dân, dân bản kiểu gia trưởng. Có thể nói đó là một nền chuyên chế mềm.

    Nếu số đông các nhà vua Việt Nam, chỉ nắm giữ một vai trò biểu tượng được thần thánh hoá, thì quyền lực thật sự của vương triều đã nằm trong tay tầng lớp quan liêu, mà đại bộ phần xuất thân từ giới trí thức Nho học, được tuyển lựa chủ yếu qua chế độ khoa cử. Họ không phải là những lãnh chúa quý tộc thế tập, chiếm hữu đất đai (như ở Tây Âu), cũng không phải là giai tầng võ sĩ dạn dày chinh chiến (như ở Nhật Bản) hoặc đẳng cấp tăng lữ nắm giữ thần quyền (như ở các nước Nam Á và Tây Á). Trên nguyên tắc mọi thành viên thuộc tất cả các tầng lớp xã hội, không phân biệt nguồn gốc xuất thân, bằng tài năng, học vấn và đức độ của mình, đều có thể thành đạt trong khoa cử, thăng tiến trong hàng ngũ quan liêu, tạo nên một chế độ sĩ trị.

    Sự bình đẳng tiến thân và phương thức lựa chọn người cai trị theo tiêu chuẩn học vấn đã là một tính ưu việt rõ rệt nếu so với những giai tầng thống trị trong các loại hình chế độ phong kiến khác, từng được nhiều học giả phương Tây tán tụng, đánh giá cao.

    Quan liêu được xem là tầng lớp ưu tú trong xã hội, được kính trọng về uy tín và địa vị xã hội là một đẳng cấp có đặc quyền, trước hết là về mặt tinh thần, sau đó đã chuyển hoá thành những lợi ích kinh tế. Có thể nói đó là một tầng lớp ưu tú được dán nhãn. Những người quan liêu vốn là những trí thức, nhưng không phải là những trí thức độc lập, mà là người trí thức dấn thân, gắn bó (hoặc bị trói buộc) chặt chẽ với nhà cầm quyền và hệ tư tưởng thống trị. Cũng chính từ đó mà trong nhiều trường hợp, đã dẫn đến hiện tượng tha hoá, biến chất, qua đó, thân phận người quan liêu đã giết chết nhân cách người trí thức. Văn bia Văn Miếu cũng đã từng phê phán nghiêm khắc về một loại quan liêu nho sĩ “xấu xa nhơ nhuốc”, “cái thực kém hẳn cái danh”. Ở đây, thể chế đã làm hư hỏng con người, nói cho đúng hơn, tính cứng nhắc của thể chế đã làm thoái hoá nhân cách. Tóm lại, ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XI (triều Lý) đến cuối thế kỷ XIX (triều Nguyễn) đã tồn tại một chế độ phong kiến nhà nước quan liêu.

    Chế độ phong kiến nhà nước quan liêu Việt Nam đã tồn tại qua nhiều thế kỷ trong lịch sử. Nó được xây dựng trên bốn cột trụ chính: một chế độ công hữu ruộng đất với nền kinh tế tiểu nông, thủ công nghiệp, một nền quân chủ tập quyền chuyên chế kiểu gia trưởng, một xã hội thần dân phân tầng đẳng cấp và một tư tưởng thống trị dựa trên Nho giáo chính thống. Trong nhiều thời đoạn lịch sử, nhất là trong những cuộc chiến tranh vệ quốc, nhà nước quân chủ tập quyền đã phát huy được tác dụng tích cực của mình, quy tụ và động viên được đông đảo quần chúng nhân dân. Nhược điểm của nó là bị khuôn vào một thể chế xơ cứng, không năng động, dị ứng với những cải cách đổi mới, do đó đã mất đi rất nhiều cơ hội và sức mạnh trong những thời điểm thử thách mang tính chất bước ngoặt lịch sử.

    Chế độ phong kiến nhà nước quan liêu Việt Nam bao gồm hai thành tố cấu trúc: một mô hình thiết chế chính trị và hệ tư tưởng khớp nối với một thực thể đời sống kinh tế - văn hoá tâm lý. Nói theo thuật ngữ của R.Redfiel và A.B Woodside[2], mô hình gắn bó với “truyền thống lớn” (Great tradition) của giai tầng ưu tú thống trị, mang tính chất Đông Á ngoại nhập, hỗn dung với một thực thể đời sống là sản phẩm của “truyền thống nhỏ” (Little tradition) của quần chúng bình dân, mang tính Nam Á bản địa. Chế độ phong kiến nhà nước quan liêu Việt Nam đã hình thành, xác lập và phát triển trong một quá trình nhiều thế kỷ, trải qua các giai đoạn tiền mô hình, mô hình và hậu mô hình.

    Thời kỳ Lý - Trần - Hồ (thế kỷ XI - XV) có thể được coi như giai đoạn tiền mô hình. Ngay từ khi lên ngôi, dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, Lý Thái Tổ đã có một tầm nhìn chiến lược, xây dựng một vương triều ổn định lâu dài, mô phỏng những thiết chế của chế độ quân chủ tập quyền Trung Hoa. Qua thời Trần, những thiết chế đó càng được củng cố và kiện toàn hơn với sự tham chính của ngày càng nhiều của tầng lớp quan liêu nho sĩ. Cơ cấu, chức danh của hệ thống hành chính quan chế, các lễ nghi, việc đặt tên các cung điện cũng đều được mô phỏng - đôi khi là gần như nguyên vẹn - theo các thể chế Trung Hoa.

    Nho giáo, sau một quá trình du nhập cưỡng bức vào Việt Nam từ hơn một thiên niên kỷ, đã được các nhà vua Lý - Trần tự nguyện chấp nhận, sử dụng như một công cụ đắc lực trong công việc trị nước. Các vua quan Lý - Trần, ngay từ thời niên thiếu theo học ở Quốc Tử giám đã tiếp thu những nguyên lý, kiến thức của văn hoá, lịch sử Trung Hoa, được coi như mô hình lý tưởng. Trong đời sống, họ thường viện dẫn đến những sự kiện, nhân vật trong sách sử Trung Hoa. Nho giáo thời Lý - Trần, từ một nền văn hoá chính trị - giáo dục đang trên đà dần dần trở thành một hệ tư tưởng chính trị - xã hội.

    Tuy nhiên, trong giai đoạn tiền mô hình của chế độ phong kiến nhà nước quan liêu Việt Nam, mô hình thiết chế chính trị - hệ tư tưởng vẫn còn quá rộng và đi trước so với thực thể đời sống xã hội. Văn hoá Đại Việt, còn mang đậm tính dân gian truyền thống trước phong kiến. Chế độ quân chủ tập quyền tuy đã thành lập, nhưng yếu tố cát cứ của các thủ lĩnh tộc người miền núi và một số vương hầu quý tộc địa phương vẫn còn tồn tại. Chế độ quan liêu cồng kềnh mô phỏng quan chế Trung Quốc tỏ ra không thích hợp với một nước nhỏ là Đại Việt. Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã từng nói với vua Anh Tông: “Sao lại có một nước bé bằng bàn tay mà phong quan tước nhiều đến như thế!”. Vì vậy có nhiều chức quan ở thời Lý - Trần chỉ có danh mà không có thực. Thiết chế tự trị - tự quản của của cộng đồng các làng xã với chế độ ruộng công và những quan hệ xã hội mang tính bình đẳng vẫn còn giữ vai trò chủ đạo ở nông thôn, chưa bị biến chất bởi sự can thiệp, chi phối của nhà nước phong kiến.

    Về văn hoá tư tưởng, Nho giáo Đông á tuy đã được chấp nhận trên nguyên tắc, nhưng đã gặp phải một đối trọng có vai trò thế lực lớn mạnh là cơ tầng văn hoá thấm đậm tố chất Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Quần chúng bình dân làng xã vẫn gắn bó với thế giới tâm linh cổ truyền của mình như các tín ngưỡng vật linh, thần linh, các tục lệ dị đoan và ma thuật gần gũi với với phái Đạo giáo phù thuỷ bên Trung Quốc. Phật giáo Nam Tông - có lúc đã được coi là quốc giáo - bén rễ rất sâu vào tâm thức của các tầng lớp dân chúng và cả giai tầng thống trị. Nhiều nhà vua và quý tộc thời Lý Trần đã rất sùng Phật. Lê Quát đưa ra một hình ảnh đầy ấn tượng: “nửa nước là sư”. Sứ giả nhà Nguyên là Trần Cương Trung đã nhận xét dân chúng Đại Việt thời Trần là “vẫn duy trì những phong tục cổ truyền, chưa biết đến lễ nhạc Trung Hoa”.

    Đó là hiện tượng mà xưa nay thường vẫn được gọi là “tam giáo tịnh tồn”, “tam giáo đồng nguyên”. Nói chính xác hơn, đó là sự hỗn dung, thế cân bằng đối trọng lưỡng nguyên văn hoá giữa các yếu tố thượng lưu - bình dân, Đông á - Nam á, giữa một “truyền thống lớn” chung sống với một “truyền thống nhỏ”. Trong thực tế xã hội, yếu tố thứ hai còn chiếm ưu thế, nhưng xu thế phát triển lịch sử lại nằm ở yếu tố thứ nhất.

    Thời Lý - Trần, khoảng cách biệt giữa mô hình thiết chế và thực thể đời sống là một độ chênh có trị số dương ngày càng giảm thiểu để đi tới sự phù hợp. Do vậy mô hình thiết chế của chế độ phong kiến nhà nước quan liêu vẫn còn dư địa phát triển. Đó là một xung lực mang tính tích cực, tiến bộ, thức đẩy xã hội tiến tới một trình độ phát triển cao hơn, tiếp cận với mô hình.

    Chế độ phong kiến nhà nước quan liêu Việt Nam đã phát triển tới giai đoạn mô hình dưới thời Lê sơ (thế kỷ XV). Triều đại này ra đời trên cơ sở những thành quả của cuộc kháng chiến chống Minh và đồng thời là những chuyển biến xã hội Đại Việt dưới thời thuộc Minh.

    Hai thập kỷ thuộc Minh đầu thế kỷ XV thực sự đã là cuộc Bắc thuộc lần thứ hai, có những tác động sâu sắc tới xã hội Đại Việt, tạo nên một bước ngoặt lịch sử. Với chế độ trực trị quận huyện, nhà Minh đã du nhập và áp đặt vào Đại Việt gần như nguyên vẹn những thiết chế chính trị và hệ tư tưởng của chế độ quân chủ tập quyền chuyên chế kiểu Trung Quốc ở giai đoạn phát triển cao. Văn hoá Đại Việt, từ thế ưu trội của yếu tố Nam á Phật Đạo đã chuyển sang quỹ đạo của nền văn hoá với tính ưu trội của yếu tố Đông á Nho giáo.

    Các nhà vua đầu triều Lê - điển hình là Lê Thánh Tông với lòng tự hào dân tộc thể hiện qua tinh thần “vô tốn Hoa hạ” (không chịu thua nhường Trung Hoa) đã tự nguyện và nhiệt thành áp dụng mô hình thiết chế chính trị - hệ tư tưởng Nho giáo - Đông á trong việc xây dựng một nhà nước quân chủ tập quyền cao. Triều đình với tay, can thiệp sâu vào hệ thống cộng đồng các làng xã, chia ruộng công định kỳ theo theo phép quân điền, tuyển lựa các xã trưởng trong giới nho sinh, đưa các chuẩn mực đạo đức Nho giáo vào trong đời sống dân chúng với 24 điều giáo hoá. Tầng lớp địa chủ bình dân cũng đã hình thành và phát triển. Chế độ ngôi thứ đẳng cấp nảy sinh, đẩy mạnh quá trình phong kiến hoá làng xã. Quan hệ sản xuất phong kiến tới đây đã được xác lập một cách tương đối vững chắc. Chế độ phong kiến nhà nước quan liêu Việt Nam đã phát triển tới giai đoạn mô hình. Mô hình thiết chế chính trị – hệ tư tưởng lúc này gần trùng hợp với thực thể đời sống xã hội. Độ chênh lịch sử ngày càng giảm thiểu, tiếp cận đến cực tiểu.

    Các vua Lê đã thi hành chính sách “sùng Nho trọng Đạo là việc hàng đầu”. Tống - Nho trở thành hệ tư tưởng chính thống, độc tôn, thống trị tinh thần xã hội. Nó là bệ đỡ tư tưởng cho chế độ nhà nước phong kiến quan liêu, đồng thời là công cụ ổn định xã hội, khi đã thấm sâu vào các thiết chế làng xã và gia đình.

    Tuy nhiên, trên thực tế “truyền thống lớn” Nho giáo vẫn không lấn át được “truyền thống nhỏ” Phật - Đạo. Trong thế ổn định, có hàm chứa những dấu hiệu của sự trì trệ và những yếu tố bất ổn định, dần dần đưa xã hội đến tình thế chao đảo. Vương triều Lê sơ thịnh trị đã sụp đổ sau đó mấy thập kỷ, khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi.

    Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, chế độ phong kiến nhà nước quan liêu Việt Nam bước vào giai đoạn hậu mô hình. Thiết chế chính trị và hệ tư tưởng chính thống lúc này đã trở nên chật hẹp, lạc hậu so với thực thể đời sống xã hội phát triển, đã mang nhiều yếu tố vượt qua tính chất phong kiến truyền thống.

    Trải qua rất nhiều những thăng trầm, biến động lịch sử, thiết chế quân chủ tập quyền vẫn được duy trì ở Việt Nam. Thời Trịnh - Nguyễn, đất nước bị phân liệt thành Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhưng ở mỗi miền, vẫn là một nhà nước phong kiến tập quyền, về đại thể là giống nhau. Qua nhiều chao đảo, tới thế kỷ XIX, chế độ quân chủ chuyên chế lại được phục hồi, củng cố, thậm chí phát triển đến giai đoạn cao nhất và tột cùng dưới thời Nguyễn. Xương sống của chính thể đó là một đội ngũ quan liêu Nho sĩ gắn chặt chẽ với hệ tư tưởng Nho giáo chính thống.

    Thế kỷ XVI, XVII, XVIII, Nho giáo tuy vẫn giữ địa vị của hệ tư tưởng thống trị nhưng đã suy yếu, biến thái đi nhiều trước sự trỗi dậy của những đối trọng tư tưởng Phật - Đạo phi chính thống. Thế kỷ XIX, các vua đầu triều Nguyễn, đặc biệt là Minh Mệnh đã ra sức khôi phục Tống - Nho theo đường lối “sùng chính học” với các chính sách phát triển khoa cử cho phổ biến các huấn điều (thập điều) trong dân chúng. Tuy nhiên học thuyết này không còn có được sức mạnh và uy tín như ở thế kỷ XV. Đó là một Nho giáo hậu khủng hoảng, bộc lộ nhiều khuyết tật, cạn kiệt tính sáng tạo, mang đậm tính giáo điều, chuyên chế, lỗi thời và thủ cựu. Từng là một lực đẩy, tiến đến một lực duy trì ổn định, hệ tư tưởng Nho giáo lúc này đã chuyển hoá thành một lực cản đối với sự phát triển xã hội.

    Trong khi đó, thực thể đời sống kinh tế - văn hoá vẫn tiến triển rất linh hoạt, đi trước mô hình thiết chế chính trị - hệ tư tưởng. Những yếu tố kích thích mới về kinh tế - xã hội là sự phát triển mạnh mẽ của yếu tố tư hữu ruộng đất, nền kinh tế hàng hoá - tiền tệ và đô thị, vượt khỏi khuôn mẫu kinh tế phong kiến truyền thống. Vê văn hoá, đó là sự trỗi dậy của “truyền thống nhỏ”, những đợt sóng mới về văn hoá tư tưởng - tâm linh phi chính thống như Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian, sự nở rộ của nền văn hoá dân gian khai phóng đậm chất nhân văn, thách thức với “truyền thống lớn” là chủ nghĩa giáo điều kinh viện Nho giáo. Ở đây, văn hoá và tâm lý quần chúng nhân chính đã là một loại nước cường toan ăn mòn hệ tư tưởng của đẳng cấp thống trị.

    Cũng trong giai đoạn hậu mô hình, độ chênh lịch sử giữa mô hình thiết chế và thực thể đời sống lại dần dần gia tăng, nhưng với trị số âm, biến thành độ căng lịch sử. Mô hình vẫn tồn tại, nhưng dưới dạng bị xô lệch, bóp méo.

    Sơ đồ cấu trúc - vận hành của chế độ phong kiến nhà nước quan liêu Việt Nam

    (Tủ sách) Lại bàn về chế độ phong kiến Việt Nam Mohinh10

    Giữa thế kỷ XIX, chế độ phong kiến quan liêu Việt Nam đã đi vào cuộc khủng hoảng cơ cấu. Nhưng vì thiếu vắng một thế lực kinh tế mới, một giai tầng xã hội mới và một trào lưu tư tưởng mới của chủ nghĩa tư bản, khả năng bùng nổ từ quần chúng một cuộc cách mạng làm chuyển đổi mô hình đã không xảy ra như ở các quốc gia Tây Âu. Cũng vì không có một cơ sở kinh tế - xã hội nội tại mới, những nhà vua Nguyễn, bị phong toả bởi đội ngũ quan liêu Nho sĩ thủ cựu, trước hết là hàng ngũ triều thần - cũng không thể thực hiện một cuộc đổi mới từ trên xuống, điều chỉnh mô hình thể chế chính trị, hệ tư tưởng cho phù hợp với thực tế phát triển xã hội, như trường hợp Nhật Bản thời Minh Trị.

    Kết quả là cả mô hình thiết chế và thực thể đời sống đều lâm vào tình trạng ngưng đọng, trì trệ, không lối thoát. Đó là những điều kiện thuận lợi dẫn đến sự can thiệp vũ trang của tư bản thực dân Pháp, tạo nên một cú va đập từ bên ngoài, làm sụp đổ mô hình truyền thống của chế độ phong kiến nhà nước quan liêu Việt Nam, đã từng tồn tại trong nhiều thế kỷ.


    [1] Theo thần thoại Hy Lạp, tên khổng lồ Procruste đã bắt các khách đi đường trói chặt vào một chiếc giường sắt, sau đó đã căng kéo đôi chân của họ dài thêm ra hoặc chặt ngắn bớt đi sao cho vừa khít với khuôn khổ chiếc giường của mình.

    [2] R.Redfield, Peasant society and Culture: an Anthropological Approach to Civilization, Chicago, 1956

    AB Woodside, Vietnam and the Chinese model, Massachusetts, 1971.