(Dân trí) - Hơn 10 năm qua, gia đình bà Mỹ tá túc dưới gầm cầu Cái Sâu, quận Cái Răng, TP Cần Thơ mưu sinh bằng nghề nhặt rác để nuôi người mẹ già yếu, bệnh tật cùng hai cháu ngoại nhiễm HIV từ nhỏ.
Nỗi khổ người già
Trên đống sỏi cạnh hông đường vào cấp cứu của bệnh viện Hoàn Mỹ (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), có một gia đình sống chui rúc ở vỉa hè bệnh viện là gia đình bà Lê Thị Mỹ (53 tuồi) đang gồng gánh chăm sóc cho cụ Phạm Thị Gấm (80 tuổi), mang chứng bệnh ung thư tử cung và hai đứa cháu nhiễm HIV từ nhỏ là Bùi Thị Trúc Ly (9 tuổi), Bùi Thị Như Ý (7 tuổi).
Cuộc sống màn trời chiếu đất đến với gia đình bà Mỹ đã hơn 10 năm qua, trước đây ngày ngày họ sống nghề lượm bọc, lượm lon, tối về tá túc dưới chân cầu Cái Sâu. Vì bệnh nan y, bà Gấm đã bán căn nhà ở khu vực Thạnh Thắng, Phường Phú Thứ, Quận Cái Răng để chữa bệnh. Từ đó đến nay cảnh không đất không nhà đưa đẩy cuộc sống của họ đến gầm cầu, nhà hoang, cổng bệnh viện,...
Bà Gấm cùng hai đứa cháu mắc bệnh nan y
Bà Gấm cùng hai đứa cháu mắc bệnh nan y
Cuộc sống nghèo khổ không đủ ăn, vậy mà bệnh tật luôn đeo bám cuộc đời bà Phạm Thị Gấm. Thân hình còm cõi, hốc hác da bọc lấy xương, mang căn bệnh ung thư tử cung đã nhiều năm, trước đây bà còn đi bệnh viện TP Hồ Chí Minh chữa trị. Sau nầy cảnh nhà cơ nhỡ, tuổi càng cao bà phó mặc chuyện tử sinh, mặc dù thỉnh thoảng bà bị xuất huyết tử cung, có lúc xuất huyết gần nửa lít máu.
“Ước mong của mẹ là có một chỗ để nằm yên thân. Khổ nhất là những ngày mưa gió, da thịt nhăn nhúm chống chọi với rét mướt, với thiếu ăn…Vừa rồi mẹ trở bệnh, cán bộ bệnh viện Hoàn Mỹ thương tình cho vào nằm viện, giảm giá 50% nhưng cũng không biết đến khi nào tui mới có tiền trả cho bệnh viện vì hai cháu Trúc Ly, Như Ý thay phiên nhau ngã bệnh hoài”, chị Lê Thị Mỹ bùi ngùi chia sẻ
Trẻ con côi cút
Cháu Trúc Ly vừa mở mắt chào đời là phát hiện nhiễm HIV, nhưng người mẹ vẫn sanh thêm cháu Như Ý cũng nhiễm HIV. Sự ân hận quá muộn màng, thế là mẹ của Trúc Ly và Như Ý mất do căn bệnh tàn phá. Còn cha của hai đứa trẻ phải đi cải tạo nhiều năm do tham gia buôn cái chết trắng. Chỉ có hai đứa trẻ vô tội sinh ra đã phải nhận án tử treo lơ lửng trên đầu.
Mặc dù được bệnh viện cấp thuốc hằng tháng, nhưng hai cháu vẫn thường chóng mặt, nhức đầu, có đứa sốt nhiều lần. Vừa qua, cháu Trúc Ly sốt, nổi hạch, đi khám bác sĩ cho biết cháu bị nhiễm trùng đường tiểu do nằm đất, ngồi đất. Bác sĩ khuyên nên cho cháu ngủ trên ván, trên giường. Nhưng cảnh không nhà cửa làm sao đáp ứng.
Nhìn nụ cười vô tư của hai cháu nở bừng rồi chợt tắt, chúng tôi thầm hỏi tuổi thọ các cháu được kéo dài bao lâu nữa đây? Hay cõi đời này là cõi tạm đối với các cháu như cuộc sống rày đây mai đó, khi thì ở gầm cầu, nhà hoang, cổng bệnh viện,…
Bà Gấm cùng hai đứa cháu mắc bệnh nan y
Mọi gánh nặng trong gia đình đều trong chờ vào sạp bán hàng rong của bà Mỹ trước cổng bệnh viện Hoàn Mỹ
Trước đây cháu Trúc Ly được đi học nhà trẻ, sau khi học được hơn 1 tháng thì cô giáo lại gia đình đề nghị cho cháu nghỉ học vì phụ huynh các cháu khác không chịu gởi con học, mới bảy tám tuổi đời nhưng cuộc đời đã dạy cho các cháu những mặc cảm, những thiếu thốn những ánh mắt ước mơ khi nhìn những đứa trẻ cùng trang lứa.
Bà Lê Thị Mỹ, người cằn cỗi, khuôn mặt hốc hác thố lộ: “Một mình tôi vừa nuôi mẹ bệnh ung thư tử cung, vừa nuôi hai cháu nội nhiễm HIV, cảnh nghèo có lúc tôi tưởng gần như ngã quỵ. Nhiều lúc tôi nghĩ mình có mệnh hệ nào thì ai nuôi mẹ, nuôi hai cháu”.
Từ khi bà Gấm phát bệnh nặng, cháu Trúc Ly 9 tuổi, mang căn bệnh AIDS vẫn vào bệnh viện nuôi bà, còn bà Mỹ vừa lo bán buôn chạy tiền trả tiền bệnh viện vừa nuôi hai cháu nội. Cũng may, thời gian sau này người ta cho tạm trú vào căn nhà bỏ trống, tạm qua những đêm mưa gió ở gầm cầu, vỉa hè..