Câu lạc bộ tình nguyện Hòa Bình Xanh Việt Nam


SÁCH HAY NÊN ĐỌC: "KHUYẾN HỌC" FUKUZAMA YUKI

    Yoo Jin
    Yoo Jin
    Cấp 8
    Cấp 8
    Tên thật Tên thật : Phạm Thị Trang Nhung
    Đến từ Đến từ : Hà Nội

    SÁCH HAY NÊN ĐỌC: "KHUYẾN HỌC" FUKUZAMA YUKI Empty SÁCH HAY NÊN ĐỌC: "KHUYẾN HỌC" FUKUZAMA YUKI

    Bài gửi by Yoo Jin 26/3/2013, 18:44

    Tác phẩm "Khuyến học" của tác giả Fukuzawa Yukichi

    Tác giả: Fukuzawa Yukichi
    Nhà xuất bản: Trí thức
    Năm xuất bản: 2008
    Số trang: 248

    1. Vài nét về tác giả Fukuzawa Yukichi
    Fukuzawa Yukichi sinh năm 1835, mất năm 1901, thọ 66 tuổi. Ông sinh ra tại Ōsaka, khi cha ông đang làm cho phủ đại diện của lãnh địa Nakatsu ở đó. Cha ông vốn là một nhà Nho nhiệt tâm với kinh sử, nhưng suốt đời không thoát khỏi công việc tính toán tiền bạc và giằng co các khoản nợ cho lãnh địa. Ông luôn mang nặng mối bất bình với công việc nhuốm màu ô tục và chế độ đẳng cấp phong kiến kìm nén con người. Điều này đã có ảnh hưởng lớn đến Fukuzawa. Mặc dù cha mất sớm, nhưng như ông đã bộc bạch, từ nhỏ ông đã được hưởng một nền giáo dục Nho gia từ hình bóng của người cha nghiêm nghị. Nhưng với sự nhạy cảm trước những biến chuyển của thời đại đã sớm hình thành trong Fukuzawa tư tưởng nhìn nhận lại những giá trị cũ, những nếp nghĩ cổ hủ, cứng nhắc của các nhà Nho.

    Tài năng và nhân cách Fukuzawa Yukichi được phát huy trong những năm tháng cải cách dưới triều vua Minh Trị. Ông đã để lại trước tác với số lượng lên tới hàng vạn trang, trong đó tiêu biểu phải kể đến là "Khuyến học" (Gakumon no susume), "Khái lược luận thuyết về văn minh" (Bunmeiron no gairyaku), "Tình hình châu Âu" (Seiyō jijō), "Phúc ông tự truyện" (Fukuō Jiden), v.v.

    Có thể nói, Fukuzawa Yukichi được coi như một nhà cải cách chính trị xã hội, nhà giáo dục tiên phong, nhà tư tưởng tiêu biểu của Nhật Bản từ cuối thời Edo, đầu thời kỳ Minh Trị. Tư tưởng của ông có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào Khai sáng ở Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, tạo tiền đề cho Nhật Bản trở thành một cường quốc trên thế giới. Fukuzawa Yukichi được coi là nhà tư tưởng trong cuộc “canh tân” thời Minh Trị biến Nhật Bản từ một quốc gia lạc hậu bị chia năm xẻ bảy bởi các lãnh chúa và bị cô lập với thế giới bên ngoài trở thành một quốc gia hùng cường.

    2. Tác phẩm “Khuyến học”
    “Khuyến học” của Fukuzawa Yukichi có thể coi là một trong những cuốn sách đã làm thay đổi cả Nhật Bản. Nó thực sự đã truyền tải được những tư tưởng lớn của thời đại.
    Nội dung chính của tác phẩm tập trung vào các đề mục sau:
    Phần 1: Trời không tạo ra người đứng trên người
    Phần 2: Người chịu thiệt thòi nhất là những kẻ vô học
    Phần 3: Hun đúc nuôi dưỡng chí khí độc lập ra sao
    Phần 4: Trách nhiệm của "người đứng trên người"
    Phần 5: Lòng quả cảm của người sinh ra từ đâu
    Phần 6: Luật pháp quý giá như thế nào
    Phần 7: Trách nhiệm của quốc dân
    Phần 8: Đừng đánh giá người khác bằng suy xét chủ quan của mình
    Phần 9: Mục đích của học vấn là gì
    Phần 10: Hãy sống và hy vọng ở tương lai
    Phần 11: Đẳng cấp địa vị đẻ ra các chí sĩ rỏm
    Phần 12: Hãy học cách diễn thuyết có hiệu quả
    Phần 13: Tệ hại nhất là tham lam
    Phần 14: Phải luôn xem xét lại tinh thần của bản thân
    Phần 15: Tiếp thu có chọn lọc văn minh phương tây
    Phần 16: Chạy theo độc lập vật chất sẽ đánh mất độc lập tinh thần
    Phần 17: Bàn về sự tín nhiệm.
    Trong chuyên mục này, chúng tôi xin tóm lại những quan điểm chính của Fukuzawa về giáo dục và học thức. Cụ thể như sau:

    2.1. Quan điểm về giáo dục và thực tại
    Trong giai đoạn cuốn sách này được xuất bản, nền giáo dục Nhật Bản đang mang đậm màu sắc Hán học (Kangaku) cả về phương pháp lẫn nội dung, như Fukuzawa đã chỉ ra rằng "học vấn ở đâu cũng chỉ toàn là Hán học". Điều đó đã gây cản trở không nhỏ đến sự vận động và phát triển của xã hội Nhật Bản đương thời. Từ nhãn quan cấp tiến, Fukuzawa nhận thấy những sự yếu kém của nền giáo dục Hán học so với nền giáo dục khoa học và thực nghiệm của phương Tây mà ông đã có dịp tiếp cận. Với tư duy nhạy bén và thức thời, một mặt Fukuzawa đã tiến hành phê phán nền giáo dục Hán học đương thời, mặt khác đẩy mạnh tuyên truyền, khai phóng nền giáo dục hiện tại của Nhật Bản theo hướng Tây học (khoa học kỹ thuật và đạo đức) để nhanh chóng văn minh hóa đất nước. Từ ý hướng ấy, Fukuzawa đã viết hàng loạt tác phẩm bàn về nhiều vấn đề, trong đó "Khuyến học" là tác phẩm thể hiện rõ nét nhất tư tưởng giáo dục khai sáng của ông, là cửa ngõ để chúng ta có thể tiếp cận "phiên bản Nhật hóa của tư tưởng khai sáng châu Âu" này.

    Fukuzawa tin rằng, giáo dục là cách duy nhất để đạt tới văn minh, bởi bản chất của văn minh là sự phát triển kiến thức và đạo đức nội tại của dân tộc: "Văn minh có nghĩa là đạt được cả những tiện nghi vật chất lẫn sự nâng cao tinh thần của con người. Nhưng cái tạo ra những tiện nghi vật chất và nâng cao tinh thần của con người là kiến thức và đạo đức, [do đó] bản chất của văn minh chính là quá trình phát triển kiến thức và đạo đức con người".

    Khai hóa văn minh bắt đầu từ việc tự mình bắt tay vào làm và chứng minh bằng thực tế cụ thể, cho mọi người tận mắt thấy việc thực. Làm trước nói sau. Chứ không thể để như tình trạng hiện nay, “hễ định làm gì cứ phải họp bàn, giải thích, thảo luận dài dòng vô bổ. Chính phủ có quyền ban bố chỉ thị, mệnh lệnh. Nhưng hiểu và biến chúng thành hiện thực phải là nhân dân, là khu vực tư nhân”. Chính vì thế, song song với việc mở trường tư thục, cần phải thực hiện sự nghiệp khai sáng cho dân chúng bằng cách giảng dạy học thuật, làm thương nghiệp, nghiên cứu luật pháp, xuất bản sách, phát hành báo, với tư cách của một người thuộc khu vực tư nhân, không nằm trong Chính phủ.

    Theo ông, làm việc này trong phạm vi, bổn phận của một quốc dân làm theo luật pháp, không sợ làm mất mặt Chính phủ. Nếu Chính phủ đi ngược lại lợi ích của nhân dân, với bổn phận của mình, người dân sẽ đường đường chính chính kháng nghị, tranh luận với Chính phủ cho đến khi Chính phủ tỉnh ngộ.
    Về năng lực sáng tạo của con người, Fukuzawa là người đưa ra nguyên tắc nổi tiếng: "Độc lập quốc gia thông qua độc lập cá nhân", tức là một xã hội muốn phát triển phải dựa trên những cá nhân có khả năng tư duy độc lập và sáng tạo, chứ không phải dựa vào Chính phủ. Tư tưởng đó thể hiện qua những lập luận sau đây:

    "… Người ta thường nói: “Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người”. Kể từ khi tạo hóa làm ra con người thì tất cả sinh ra đều bình đẳng, mọi người đều có tư cách, có địa vị như nhau, không phân biệt đẳng cấp trên dưới, giàu nghèo. [...] Cuốn sách dạy tu thân “Thực ngữ giáo” có câu: “Kẻ vô học là người không có tri thức, kẻ vô tri thức là người ngu dốt”. Câu nói trên cũng có thể hiểu: Sự khác nhau giữa người thông minh và kẻ đần độn là ở chỗ có học hay vô học mà thôi. [...] Như tôi đã đề cập: Ở con người vốn dĩ không có chênh lệch sang hèn, giàu nghèo. Vì thế, có thể nói rằng: Người chịu khó học, hiểu biết nhiều sẽ trở thành người quan trọng, sống sung túc; người vô học sẽ trở thành con người thấp kém, nghèo khổ…”

    “Việc chúng ta đang phải trả những khoản tiền lớn để thuê người nước ngoài, để nhập khẩu hàng hóa cũng bởi vì trình độ học thuật của nước ta quá lạc hậu so với các quốc gia phương Tây. Mọi thứ của cải, mọi đồng ngoại tệ nước Nhật tích cóp được, lại cứ phải đem dâng cho nước ngoài hết … Chúng ta phải thấy xót xa, phải thấy đó là sự nhục nhã …”.

    “Đa phần các trí thức đều thiếu con mắt nhận biết thời cuộc. Họ yêu quý và lo giữ chỗ cho bản thân hơn là lo lắng, ưu tư cho đất nước. Đối với họ, gió chiều nào che chiều ấy. Đa số các trí thức kiểu này luôn rình rập tìm kiếm lợi ích trước mắt, săn đón cơ hội leo vào hàng “quan chức”, sa vào các vụ quản lý vặt vãnh, tiêu phí thời gian bằng những việc vô bổ, xa rời công việc nghiên cứu, học thuật. [...] Tôi buộc phải nói rằng những người trí thức như vậy là nỗi bất hạnh cho công cuộc văn minh đất nước.”
    “Nếu như có kẻ gây phương hại đến nguyên tắc thì dù có phải biến cả thế giới thành kẻ thù chúng ta cũng quyết không sợ, huống hồ chúng ta lại phải sợ một số quan chức chính phủ lộng quyền”.
    Và ông đi đến kết luận khá bi quan nhưng sát với thực tế lúc bấy giờ: “Đáng buồn là nước ta chỉ có người Nhật mà không có quốc dân Nhật”.

    2.2. Quan điểm về chính quyền và nhân dân
    Fukuzawa cho rằng, từ đời này qua đời khác, người ta chỉ học để làm quan chứ có ai muốn học để làm dân. Làm quan đã trở thành cái đích trong cuộc đời. Ngay cả các bậc tiên sinh danh giá cũng không thoát khỏi ảnh hưởng đó. Tuy nhiên, xu hướng "làm quan" cũng là điều dễ hiểu vì khí chất xã hội đã khiến người ta phải như vậy. Cứ thế, trào lưu "quyền lực là chìa khóa vạn năng" nhiễm sâu vào lòng người. Nên dân ta ai cũng chỉ muốn làm trong công sở chính quyền, rồi tìm cách leo lên hàng quan chức chính phủ để có quyền hành và bổng lộc.

    Fukuzawa đưa ra thí dụ: “gần đây trên các tờ báo hiếm thấy bài viết nào có ý kiến ngược lại với ý kiến của chính phủ. Lâu lâu chính phủ đưa ra được một vài chính sách cải cách nho nhỏ, tức thì những bài viết tán dương tâng bốc chính phủ xuất hiện đầy rẫy trên mặt báo. Những bài viết như vậy có khác nào thái độ phỉnh nịnh “khéo léo của các cô gái làng chơi để lấy lòng khách mua hoa đâu”. Tệ hại hơn nữa, những người viết bài đó lại chính là những thành viên trong nhóm Tây học. Thật khó có thể chấp nhận. Họ đâu có phải là "gái làng chơi" và lại càng không phải là những kẻ tâm thần hay thiếu hiểu biết”.
    Từ đó, ông đặt câu hỏi: Vậy, thái độ xu nịnh và suy nghĩ cơ hội đang đầy rẫy trong xã hội Nhật Bản như hiện nay là do đâu? Và tự trả lời: Vì chưa có được một minh chứng thực tế nào chứng tỏ có tự do dân quyền trong xã hội, vì người Nhật Bản đã nhiễm quá nặng bản tính nhu nhược, không còn nhìn ra bản sắc vốn có của mình.

    Trên cương vị cá nhân thì người nào cũng tỏ ra thông thái. Nhưng hễ trở thành quan chức chính quyền thì sự thông thái thường thấy lại biến đi đâu mất. Nhưng khi tập hợp nhau trong tập thể thì cái cảnh "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" thường xuyên xảy ra.

    Ông đưa ra quan điểm khá mạnh mẽ, rằng “chính phủ Nhật Bản hiện nay là một tổ chức của nhiều người có tri thức, tập hợp nhau lại để làm một việc hồ đồ”. Có lẽ họ đã không thể phát huy được cá tính vì bị trói buộc bởi nếp nghĩ theo kiểu "chủ nghĩa bình yên vô sự". Cụ thể là, chính sách của chính phủ không hiệu quả là vậy. Bằng một số kế sách như dùng những lời lẽ hoa mỹ mị dân, dùng quyền lực, áp đặt văn minh.... chính phủ có thể giật dây được dân chúng. Nhưng như thế cũng chỉ là nhất thời mà thôi. Chính phủ trị dân bằng uy quyền thì dân sẽ đáp lại bằng sự giả vờ chấp hành. Chính phủ lừa dối cũng sẽ tạo ra vỏ bọc hữu hiệu. Mà cứ như vậy thì không thể chỉ dựa vào quyền lực để thúc đẩy văn minh xã hội.
    Cổ nhân có câu: "Dân thì phải tuân theo sự cai trị. Còn cai trị thế nào thì dân không cần phải biết". Câu này có nghĩa là ở trên đời, những người hiểu được đạo lý không nhiều. Chỉ bằng thiểu số người đó lên nắm chính trị, cai trị nhân dân, bắt dân phải tuân theo chính sách vạch ra là được. Không cần phải thông báo hay giải thích gì cả. Như thế tốt hơn là việc cái gì cũng phải giải thích, phải cắt nghĩa, mà có giải thích xong, cắt nghĩa xong thì đâu lại vào đấy cứ như “nước đổ đầu vịt” vậy.

    Người có năng lực để có thể cai trị được dân chúng thật ra rất ít ỏi. Trong cả ngàn người may ra mới có được một người. Giả dụ, dân số của một quốc gia nọ là một triệu người. Trong số đó chỉ có 1.000 người có tri thức. 999.000 người còn lại là những kẻ một chữ cắn đôi cũng chịu. Cứ cho rằng 1.000 người có trí tuệ đó, cai trị số dân ngu bằng tất cả lòng yêu thương, chăm bẵm họ như chăm bẵm bầy cừu. Và 999.000 người mù chữ này cũng một mực tuân theo lời răn dạy của "cha mẹ dân", sống trong cảnh ngu si hưởng thái bình. Cứ như thế, dần dần trở thành mối quan hệ chủ nhân và khách ăn nhờ ở đậu. Mà đã là phận khách ăn nhờ ở đậu thì nhân dân (khách) cứ chỉ biết dựa vào Chính phủ (chủ nhân). Người dân đâu cần màng tới việc nước, càng không chút mảy may lo lắng vận mệnh quốc gia. Việc quốc gia đại sự đã có chủ nhân lo rồi...

    Nếu như toàn thể quốc dân, ai nấy đều chỉ tìm cách dựa dẫm hay ỷ lại vào người khác, “không có tính tự lập thì khi ra xã hội cũng sẽ lại trở thành những kẻ chuyên ăn bám đục khoét tiền của của đất nước, của các tổ chức xã hội. Giữa cá nhân với cá nhân có lẽ cũng chẳng còn ai sẵn lòng giúp đỡ ai. Tất cả đều dửng dưng với nhau, còn nhìn thấy người mù lòa qua đường cũng không có một ai chìa tay ra giúp đỡ”...
    Theo tác giả, việc Nhật Bản đang phải trả những khoản tiền lớn để thuê người nước ngoài, để nhập khẩu hàng hóa cũng bởi vì “trình độ học thuật của nước ta quá lạc hậu so với các quốc gia phương Tây”. Mọi thứ của cải, mọi đồng ngoại tệ nước Nhật Bản tích cóp được, lại cứ phải đem dâng cho nước ngoài hết... Ông cho rằng, cần phải thấy đó là điều xót xa, phải thấy đó là sự nhục nhã. "... đối thủ mà các bạn phải tranh đấu về trí tuệ là những người phương Tây. Nếu các bạn thắng trong cuộc đọ sức tri thức này thì vị thế của nước Nhật Bản sẽ dâng cao trên trường quốc tế. Còn ngược lại, nếu các bạn thua, thì chúng ta, những người Nhật Bản, sẽ mãi mãi thấp kém dưới con mắt người phương Tây."

    Nếu như có kẻ gây phương hại đến nguyên tắc (độc lập, tự do) thì dù có phỉ biến cả thế giới thành kẻ thù, chúng ta cũng quyết không sợ, huống hồ chúng ta phải sợ một số quan chức chính quyền lộng quyền?

    Và Fukuzawa đi đến kết luận “quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn, vô trách nhiệm”.

    2.3. Phê phán thói “hư học” cụ thể là Hán học vốn đang là nền tảng giáo dục của Nhật Bản giai đoạn đó Fukuzawa đã phê phán gay gắt lối giáo dục Hán học, chủ trương xây dựng nền "thực học" trên nền tảng khoa học hiện đại phương Tây nhằm nhanh chóng "khai hóa văn minh", đảm bảo nền độc lập dân tộc của Nhật Bản. Fukuzawa cho rằng, nền giáo dục Nho học truyền thống ở Nhật Bản chính là sự cản trở lớn nhất của nền văn minh: Nó vừa cổ hủ vừa chậm phát triển, hàng nghìn năm vẫn không thay đổi, chỉ coi trọng hình thức bên ngoài giả tạo mà coi thường chân lý và nguyên tắc. Số lượng người đi học đã ít ỏi, lại chỉ được dạy đọc/viết mà không được khuyến khích phát triển tư duy sáng tạo và độc lập.

    Chính vì vậy, Fukuzawa kêu gọi người dân hãy theo đuổi nền giáo dục thực học của phương Tây, dựa trên nền tảng khoa học và kỹ thuật. Mỗi người trong xã hội, từ các học giả uyên bác, những viên chức nhà nước địa vị cao đến những nông dân nghèo và những người buôn bán nhỏ đều có thể đi học để thực hiện tốt hơn chức năng riêng của mình, từ đó đóng góp sức mình vào phát triển xã hội, chứ không nhất thiết phải học để ra làm quan theo lối suy nghĩ truyền thống của Nho học hủ lậu. Fukuzawa phê phán lối học ấy trong xã hội Nhật đương thời như đã viết ở trên: "Trong xã hội Nhật Bản, mười người thì cả mười, trăm người thì cả trăm, tất cả đều mưu cầu việc tiến thân, thăng quan tiến chức và trở thành công chức".

    Fukuzawa Yukichi phê phán Hán học - “hư học”: “Học hành không có nghĩa là chỉ học những chữ hóc búa, đọc những bài văn cổ khó hiểu, làm thơ hay bàn chuyện văn học không có ích gì cho đời... Xưa nay ít có nhà Hán học nào giỏi việc nhà, hiếm cho chonin (dân thành thị: buôn bán, thủ công) nào giỏi làm waka (nghệ thuật Hòa ca) mà lại thành công trong chuyện buôn bán. Bởi vậy có những chonin và bách tánh (nông dân) lo xa nghĩ rộng không muốn cho con mình vùi đầu vào đèn sách tối ngày để rồi phải tán gia bại sản... Điều này chứng tỏ lối học hành đó chỉ nhằm những chuyện xa vời và không có ích trong đời sống hàng ngày”.

    Fukuzawa khẳng định, chỉ có đi theo con đường văn minh hóa thì mới có thể "làm tăng chí khí của dân, mới trở thành sức mạnh hậu thuẫn cho nền độc lập của đất nước". Và để thực hiện được điều đó thì không còn cách nào khác phải đánh giá lại nền giáo dục của Nhật Bản lúc bấy giờ.
    Trong suy nghĩ và cách nhìn của Fukuzawa, nền giáo dục Hán học chưa bao giờ được đánh giá cao bởi tính hư văn, tầm chương trích cú và lối học hình thức nhưng tính thực dụng thì lại rất hạn chế. Fukuzawa viết: "Lối học này không thực tế, không thể áp dụng kết quả học tập vào thực tiễn cuộc sống". Theo ông, một nền giáo dục dựa trên nền tảng như thế thì không giúp ích gì đáng kể, thậm chí còn gây cản trở sự phát triển của đất nước, bởi lẽ trong thời đại mở cửa mà để tư tưởng thủ cựu của Hán học bám rễ trong não trạng của thế hệ trẻ, thì ánh sáng của văn minh phương Tây sẽ rất khó vào được Nhật Bản.

    Và như một hệ quả tất yếu, những người được đào tạo trong nền giáo dục Hán học ấy chỉ thuần túy là những "cái tủ kiến thức suông", không có và cũng không dám tư duy độc lập và tinh thần sáng tạo tri thức mới. Lối giáo dục cổ truyền ấy đã gây ra nơi thế hệ trẻ đặc tính thụ động, tự ti, tôn thờ thần tượng và không có tư duy phê phán, làm thui chột tư duy sáng tạo và tính cách độc lập”. Luận đề mà Fukuzawa đưa ra là: "Biết chữ mới chỉ là công cụ trên con đường học vấn... người biết chữ không thể gọi là người có học vấn nếu người đó không biết lý giải, không hiểu biết đầy đủ đạo lý của sự vật". Nghĩa là không có sự đào sâu suy nghĩ, không có tư duy phê phán thì dù có nhồi nhét đầy tri thức trong đầu cũng chẳng có ích gì. Vì thế, trong "Khuyến học", Fukuzawa không chủ định khuyên mọi người chỉ đọc sách một cách thụ động. Vấn đề căn bản là đọc sách để hình thành tính cách độc lập và ứng dụng tri thức vào đời sống thực tiễn để phục vụ đất nước. Đó mới chính là tiêu đích thực sự của giáo dục mà Fukuzawa muốn truyền đạt.

    Có thể thấy rõ quan điểm của Fukuzawa qua việc phê phán Hán học, đó là việc phê phán gắn liền phê phán hư học với Nho học hay Hán học, tức là lối học những chuyện xa xưa của Trung Quốc, không có ý nghĩa, tác dụng gì đến cuộc sống hiện tại Nhật Bản, không giúp giải quyết những vấn đề cấp bách của hai nước. Bên cạnh đó ông còn phê phán cả nội dung và phương pháp giáo dục theo kiểu hư học: Nội dung chỉ học Kinh, Thư, cổ sử Trung Quốc, Thi, Phú, không học các môn khoa học tự nhiên và khoa học thực nghiệm; phương pháp chủ yếu là luận giải những câu chữ khó hiểu, tán dương thi phú. Và đương nhiên, chính nền giáo dục hư học như vậy làm mất bao nhiêu thời gian, làm cho giới trí thức chôn vùi cuộc đời theo khoa cử hay chốn văn chương, không thiết thực, không còn thời gian mà suy nghĩ, hiến kế cho việc giải quyết các vấn đề cấp bách của đất nước….

    2.4. Vậy mục đích của giáo dục và học tập là gì?
    Ngược lại với thái độ phê phán kịch liệt lối giáo dục Hán học, Fukuzawa luôn thể hiện sự ngưỡng mộ đối với nền giáo dục tiên tiến phương Tây. Ông chủ trương kêu gọi người dân hãy theo đuổi nền giáo dục thực học năng động trên nền tảng khoa học hiện đại của phương Tây nhằm thúc đẩy tiến bộ xã hội và nâng cao tinh thần độc lập của người Nhật Bản. Có như thế mới đem đến khả năng giải quyết được những vấn đề mà con người và đất nước Nhật Bản đang phải đối mặt. Chính quan điểm giáo dục "hướng Tây" này của Fukuzawa đã gây ra không ít sự khó chịu nơi phái bảo thủ ở Nhật Bản lúc bấy giờ.
    Quan điểm giáo dục thực học của Fukuzawa thể hiện rõ ở phương châm: học phải đi đôi với hành, và hơn thế học là để thực hành. Muốn thực hiện phương châm ấy, theo Fukuzawa, cần phải tìm lời giải đáp cho hai câu hỏi: Học cái gì và học như thế nào?

    Về câu hỏi "học cái gì?", Fukuzawa đề xuất: "Trước hết phải học những môn thực dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Ví dụ: Phải thuộc lòng bảng bốn mươi chữ cái Kana; học cách soạn thảo thư từ, ghi chép trương mục kế toán; sử dụng thành thạo bàn tính; nhớ cách cân, đong, đo, đếm; Tiếp đến là phải học các môn như Địa lý để biết được phong thổ Nhật Bản và các nước trên địa cầu; Vật lý là môn học giúp ta phân biệt được tính chất của mọi vật thể trong thiên nhiên, qua đó tìm ra tác dụng của nó; học Sử vì đây là môn học giúp ta hiểu biết cặn kẽ mọi sự kiện ghi trên niên biểu lịch sử, qua đó chúng ta có thể nghiên cứu quá khứ, hiện tại của quốc gia; học Kinh tế là môn giải đáp cho chúng ta mọi vấn đề liên quan đến việc chi tiêu trong mỗi gia đình cũng như nền tài chính của cả quốc gia; học môn Đạo đức, môn này giúp ta hiểu về hành vi, hành động của bản thân, hiểu cách cư xử, cách giao tiếp, cách sinh hoạt giữa người với người". Nghĩa là, để tăng hiệu quả thực tiễn của tri thức thì cần phải bổ sung vào chương trình giáo dục những môn học mang tính thực dụng cao, tức là những môn đã trở thành thông dụng trong giáo dục ở phương Tây nhưng vẫn vắng bóng ở Nhật Bản, để thay thế cho những lời giáo huấn được cho là không thiết thực của các “thầy đồ”.

    Còn "học như thế nào?" thì Fukuzawa chỉ rõ, người học "cần thiết phải đọc tất cả các quyển sách của châu Âu đã được dịch ra tiếng Nhật. Đối với các bạn trẻ có khả năng thì tôi khuyên nên đọc trực tiếp các nguyên bản bằng tiếng Anh, Pháp, Đức. Khi học phải nắm được nội dung chủ yếu của môn học, trên cơ sở đó phải hiểu được bản chất cơ bản của mọi sự vật". Ở đây, Fukuzawa đã đưa ra một ý tưởng mới mẻ về vấn đề tính cấp thiết của việc dịch thuật và yêu cầu đọc nguyên bản kinh điển bằng ngoại ngữ trong nghiên cứu và học tập.

    Từ việc trả lời hai câu hỏi trên, Fukuzawa nhấn mạnh rằng, chỉ có học như thế mới hiệu quả và có ích cho cuộc sống. Đó chính là "thực học" mà ai cũng phải học, là nội dung giáo dục mà hết thảy mọi người đều phải tự trang bị, không phân biệt đẳng cấp, khoảng cách giàu nghèo.

    Mặc dù kêu học học theo phương Tây nhưng Fukuzawa không chủ trương học ở mọi điểm, mọi thứ mà phương Tây đang có. Vấn đề đặt ra là cần phải có sự "gạn đục khơi trong" trong quá trình tiếp thu văn minh phương Tây bởi lẽ trong mắt nhìn của Fukuzawa "văn minh phương Tây đúng là hơn chúng ta, nhưng không có nghĩa là cái gì của nó cũng hoàn hảo. Văn minh phương Tây cũng đầy rẫy khiếm khuyết. Phong tục phương Tây không phải thứ gì cũng hay ho", hơn nữa, Nhật Bản và phương Tây có nhiều đặc điểm khác nhau, nên những yếu tố ở phương Tây thì tốt đẹp nhưng khi du nhập vào Nhật Bản thì chưa chắc đã phù hợp.

    Chính vì thế, khi đối diện với văn minh phương Tây, người Nhật cần phải phát huy cao nhất năng lực lựa chọn để tránh thái độ "tin tưởng tới mức mù quáng vào văn minh phương Tây", và từ đó xác định cái gì cần tiếp thu, cái gì cần gạt bỏ. Và chính ở đây, Fukuzawa chỉ rõ, mục đích của giáo dục là nhằm nuôi dưỡng năng lực lựa chọn của người Nhật, hay nói cách khác, muốn trau dồi năng lực lựa chọn thì người Nhật trước hết phải nâng cao tri thức và không ngừng học tập. Fukuzawa viết: "Cần phải có năng lực lựa chọn: tin cái gì và nghi ngờ cái gì? Kết quả của học vấn chính là ở chỗ nuôi dưỡng năng lực lựa chọn đó".

    Có thể thấy rằng, một khi xây dựng được nền tri thức phát triển cao và một nền giáo dục vững mạnh thì người Nhật mới có thể tự tin sử dụng năng lực lựa chọn của mình để cân nhắc về việc tiếp thu từ văn minh phương Tây những cái gì là tốt, là phù hợp và loại bỏ những gì không tốt, không phù hợp. Fukuzawa hoàn toàn có lý khi chỉ ra vai trò to lớn của giáo dục trong việc nuôi dưỡng năng lực lựa chọn có phê phán của con người. Nếu không có tri thức, không có hiểu biết đầy đủ thì chúng ta sẽ rất khó nhận diện được cái gì tốt, cái gì không tốt.

    2.5. Chủ trương ủng hộ tinh thần khoa học phương Tây để khơi dậy tính cách độc lập, sáng tạo của quốc dân Nhật Bản.
    Ngay từ tựa đề của "Khuyến học", Fukuzawa muốn chỉ cho mọi người thấy thực chất ông muốn đem đến "những bài học về tinh thần độc lập tự cường của người Nhật Bản". Ông đánh giá rất cao tầm quan trọng của tính cách độc lập trong con người và quốc dân Nhật Bản, xem đó "là điểm xuất phát của mọi vấn đề", "là cái quan trọng nhất và phải được coi là phần hồn của văn minh" đến nỗi "nếu không có chí khí độc lập, tinh thần độc lập thì mọi hình thái của văn minh chỉ còn là hình thức, hoàn toàn vô dụng". Vì thế, không phải ngẫu nhiên khi trong "Khuyến học", Fukuzawa đã rất nhiều lần đề cập đến vấn đề này. Hơn nữa, khi đối chiếu với phương Tây thì ông nhận ra rằng, hai yếu tố quan trọng có thể tìm thấy ở phương Tây mà hiện tại Nhật Bản đang thiếu là khoa học (Sūrigaku) và tinh thần độc lập (Dokuritsushin). Do đó, cần phải nhanh chóng bổ khuyết hai yếu tố này để tạo nền tảng vững chắc cho con đường văn minh hóa của đất nước.

    Theo Fukuzawa, hai yếu tố trên có mối quan hệ biện chứng với nhau. Ông lý giải rằng, nếu như lối giáo dục dựa trên nền Hán học vốn chỉ đào tạo những con người tư duy một chiều, khuôn mẫu, cứng nhắc, thì lối giáo dục Tây học với nền tảng khoa học vững chắc lại rất thích hợp để khai sáng tri thức mới, rèn luyện tư duy độc lập và sáng tạo của con người. Vì thế, Fukuzawa luôn nhấn mạnh, giáo dục tinh thần khoa học phương Tây là cơ sở để hình thành tính cách độc lập, sáng tạo của người Nhật. Theo đó, Fukuzawa yêu cầu người Nhật, nhất là thế hệ trẻ cần phải chủ động và tích cực hơn trong việc tự đào luyện tri thức, nâng cao hiểu biết khoa học và đạo lý của phương Tây. Ngược lại, việc học tập để nắm vững tri thức khoa học và đạo lý phương Tây cũng góp phần xóa bỏ tâm lý tự ti, mặc cảm trước phương Tây, đồng thời củng cố và phát triển tính cách độc lập và sáng tạo của người Nhật trong thời đại văn minh hóa.


    Một vài kết luận
    Việc nhấn mạnh tính cách độc lập, sáng tạo của con người trên cơ sở giáo dục tinh thần khoa học tiên tiến như Fukuzawa đã thể hiện trong Khuyến học trở thành cơ sở cho triết lý giáo dục hiện đại của Nhật Bản và tất nhiên cũng sẽ là một gợi ý hữu ích để chúng ta xây dựng một nền giáo dục mới dựa trên tư duy độc lập và sáng tạo của người học. Thiết nghĩ, đó là một nội dung quan trọng cần bổ sung vào triết lý giáo dục hiện đại mà nước ta đang hướng đến nhằm xây dựng những thế hệ người Việt Nam đầy tự tin, năng động, sáng tạo, biết sử dụng lý trí của chính mình một cách độc lập để suy nghĩ và hành động một cách đúng đắn nhất, hiệu quả nhất nhằm đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển của đất nước.

    Để kết thúc bài viết này, xin trích nhận xét của Giáo sư Matsunaga về tư tưởng cận đại hóa giáo dục của Fukuzawa: “Việc coi trọng tư tưởng thực học của Fukuzawa chính là con đường làm cho đất nước phú cường. Người Nhật Bản thời Minh Trị được giải phóng khỏi chế độ phân chia đẳng cấp phong kiến, được học một nền giáo dục thực học có ích cho đời sống hàng ngày. Sự phân chia “sĩ-nông-công-thương” đã chấm dứt, việc kinh doanh thực nghiệp đã mở ra, “cá nhân cũng độc lập, gia đình cũng độc lập, quốc gia cũng độc lập”, những lời khởi xướng đó thật thích hợp với Nhật Bản trong việc tiếp thu văn minh phương Tây, để xây dựng quốc gia cận đại”.


    Nguyễn Đình Thuận, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Trẻ ĐN
    phamtuananh9x
    phamtuananh9x
    Admin
    Admin
    Tên thật Tên thật : Phạm Tuấn Anh
    Đến từ Đến từ : Hà Nội

    SÁCH HAY NÊN ĐỌC: "KHUYẾN HỌC" FUKUZAMA YUKI Empty Re: SÁCH HAY NÊN ĐỌC: "KHUYẾN HỌC" FUKUZAMA YUKI

    Bài gửi by phamtuananh9x 28/3/2013, 17:29

    Hay quá Trang Nhung à. hihi. Cảm ơn em nhé.

    SÁCH HAY NÊN ĐỌC: "KHUYẾN HỌC" FUKUZAMA YUKI 3897510746


    Được sửa bởi phamtuananh9x ngày 28/3/2013, 21:44; sửa lần 1.
    Yoo Jin
    Yoo Jin
    Cấp 8
    Cấp 8
    Tên thật Tên thật : Phạm Thị Trang Nhung
    Đến từ Đến từ : Hà Nội

    SÁCH HAY NÊN ĐỌC: "KHUYẾN HỌC" FUKUZAMA YUKI Empty Re: SÁCH HAY NÊN ĐỌC: "KHUYẾN HỌC" FUKUZAMA YUKI

    Bài gửi by Yoo Jin 28/3/2013, 20:36

    Vâng, quả là một cuốn sách hay và giá trị, e cũng mới được biết và vẫn chưa tìm mua được, Thấy yêu hơn lực chọn của mình :)

    Sponsored content

    SÁCH HAY NÊN ĐỌC: "KHUYẾN HỌC" FUKUZAMA YUKI Empty Re: SÁCH HAY NÊN ĐỌC: "KHUYẾN HỌC" FUKUZAMA YUKI

    Bài gửi by Sponsored content