Nhằm thúc đẩy công tác tình nguyện vì sự phát triển ở Việt Nam, Trung tâm thông tin nguồn lực tình nguyện Việt Nam và Chương trình Tình nguyện Liên Hợp Quốc (UNV) triển khai kế hoạch tổ chức Cuộc thi viết với chủ đề “Câu chuyện tình nguyện vì sự phát triển”, cụ thể như sau:
I – MỤC ĐÍCH – Ý NGHĨA
- Thông qua những câu chuyện về các hoạt động và cách làm tình nguyện hay của các tổ chức, câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm tình nguyện; nhằm phát huy, tôn vinh sự đóng góp của các tình nguyện viên đối với cộng đồng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước để từ đó phát hiện và nhân rộng những cách làm hay, những gương mặt điển hình trong hoạt động tình nguyện.
- Các câu chuyện đoạt giải sẽ được chọn đăng trong một ấn phẩm của UNV và VVIRC nhằm ghi nhận vai trò của công tác tình nguyện đối với sự phát triển của các địa phương nói riêng và của đất nước nói chung. Ấn phẩm này cũng nhằm cổ vũ tinh thần tình nguyện và nhân rộng điển hình tiên tiến trong các tầng lớp nhân dân.
- Các câu chuyện tình nguyện được chọn để đăng tải hàng tuần trên Website: www.vvirc.vn; www.tinhnguyenquocgia.vn; vàhttp://www.un.org.vn/unvvn/
II – ĐỐI TƯỢNG DỰ THI
- Các cấp bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam; các CLB, đội, nhóm tình nguyện đang hoạt động tại Việt Nam;
- Các đội nhóm và CLB tình nguyện tham gia các Chiến dịch hè tình nguyện do Đoàn, Hội tổ chức;
- Các Hội Sinh viên Việt Nam ở nước ngoài;
- Các tình nguyện viên Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập trong và ngoài nước;
- Đoàn viên, thanh niên, sinh viên tình nguyện.
III – NỘI DUNG CÂU CHUYỆN DỰ THI
Nội dung các câu chuyện dự thi phản ánh các hoạt động tình nguyện đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam trong các các lĩnh vực sau:
1- Chăm lo người nghèo và bình đẳng giới: các hoạt động tình nguyện góp phần cải thiện điều kiện sống và nâng cao thu nhập cho người nghèo và những người yếu thế; góp phần tạo sự bình đẳng cho mọi đối tượng người dân trong tiếp cận các dịch vụ xã hội, và thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình và xã hội v.v.
2- Việc làm: các hoạt động tình nguyện giúp tạo ra việc làm mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp giới thiệu việc làm hoặc kế nối người lao động với người sử dụng lao động, v.v.
3- Giáo dục và đào tạo nghề: các hoạt động tình nguyện tạo cơ hội giáo dục, học tập cho những đối tượng khó khăn trong xã hội; giúp định hướng nghề nghiệp cho thanh thiếu niên Việt Nam; giúp tăng cường kỹ năng sống, kỹ năng mềm, khả năng ngoại ngữ, máy tính và nghiệp vụ chuyên môn cho thanh thiếu niên, những người khó khăn, người yếu thế trong xã hội, v.v.
4- Chăm sóc sức khỏe, hiến máu tình nguyện và an sinh xã hội: các hoạt động tình nguyện giúp cải thiện dịch vụ chăm sóc y tế và sức khỏe cho người dân ở cộng đồng; giúp người dân tiếp cận nguồn nước sạch, và thực hành vệ sinh cá nhân; cung cấp những hỗ trợ cần thiết giúp người nghèo, người yếu thế vượt qua giai đoạn khó khăn và khủng hoảng, hiến máu tình nguyện v.v.
5- Sự tham gia của người dân: các hoạt động tình nguyện giúp tăng cường năng lực người dân và giúp người dân chủ động tham gia, góp tiếng nói, góp nguồn lực vào các hoạt động cộng đồng và hoạt động chung; giúp người dân nhận ra vai trò của công tác tình nguyện và tình nguyện viên là một trong những nguồn lực cho phát triển.
6- Bảo vệ môi trường: các hoạt động tình nguyện giúp nâng cao ý thức của người dân về môi trường; bảo vệ môi trường, giúp giảm ô nhiễm, giảm thói quen, hành vi và thái độ có hại cho môi trường, giúp giảm tác hại của biến đổi khí hậu; giúp thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ thân thiện hơn với môi trường; giúp khuyến khích các ý tưởng và các giải pháp xanh bảo vệ môi trường.
IV – THÔNG TIN, YÊU CẦU, THỜI GIAN NỘP BÀI THI
1. Kênh thông tin cho các câu chuyện:
a. Được trình bày trong ấn phẩm tình nguyện của UNV và VVIRC
b. Được giới thiệu qua (i) các kênh thông tin của VVIRC, (ii) các kênh thông tin của UNV Việt Nam.
2. Yêu cầu tác phẩm dự thi
a. Viết về hoàn cảnh địa phương và của hoạt động tình nguyện (tối đa 500 từ) tập trung vào: bối cảnh và địa bàn hoạt động, nhân vật được hỗ trợ với những thông tin cụ thể về địa điểm, tình hình kinh tế-xã hội của địa phương vànhững thông tin cần thiết khác để giúp người đọc hình dung được tình hình và hoàn cảnh địa phương, và của hoạt động tình nguyện
b. Xác định hoạt động tình nguyện đề cập trong câu chuyện – là những hoạt động mang lại sự thay đổi tích cực cho cộng đồng, cho người hưởng lợi, góp phần vào sự phát triển chung nằm trong các chủ đề nêu trên.
c. Viết (tối đa 1,000 từ) về kinh nghiệm của tình nguyện viên, tập trung vào:
· Kinh nghiệm tình nguyện trước và sau khi tham gia các hoạt động tình nguyện của của nhóm, CLB, đội và tổ chức. Các kinh nghiệm của tình nguyện viên đã thay đổi như thế nào? Tình nguyện viên đã học hỏi và trưởng thành như thế nào từ những hoạt động tình nguyện hoặc kinh nghiệm tình nguyện?
· Tổng quát: Hoạt độngtình nguyện góp phần mang lại những thay đổi tích cực gì đối với người, nhóm người, và địa phương hưởng lợi?
· Một số trích dẫn/câu nói của những người hưởng lợi hoặc của chính quyền địa phương hoặc của bản thân tình nguyện viên về các hoạt động tình nguyện đã nêu.
d. Gửi ít nhất ba (03) hình ảnh rõ, dung lượng cao, độ phân giải tốt và có ý nghĩa cho thấy:
· Các hoạt động tình nguyện đang diễn ra trên địa bàn
· Dự án, hoặc cộng đồng, hoặc gia đình hoặc cá nhân được hưởng lợi từ dự án
e. Yêu cầu về nguồn thông tin và bản quyền tác giả
· Cung cấp rõ ràng tên tác giả câu chuyện, và tác giả của các hình ảnh đính kèm với bài viết
· Nêu rõ nguồn cho những thông tin, số liệu và hình ảnh (báo nào, ngày nào, đường dẫn trên trang web nào, ai cung cấp thông tin, v.v.) được tác giả sử dụng trong bài viết để đảm bảo tính xác thực của thông tin và tôn trọng quyền tác giả của nguồn thông tin đã sử dụng.
3. Cách thức và Thời hạn nộp bài:
a. Cách thức gửi bài dự thi:
· Gửi trực tiếp qua đường bưu điện đến địa chỉ:
Bài dự thi Câu chuyện Tình nguyện vì sự phát triển
Trung tâm Thông tin Tình nguyện Việt Nam
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
64 Bà Triệu, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
· Gửi bài online tại Website: http://vvirc.vn, mục Dự thi viết " Câu chuyện tình nguyện".
b. Thời hạn gửi bài dự thi: Trước ngày 10/07/2013
V – GIẢI THƯỞNG
a. Giải thưởng cho Câu chuyện tình nguyện vì sự phát triển: (i) 01 giải nhất, (ii) 02 giải nhì , (iii) 03 giải ba, (iv) 06 giải khuyến khích
b. Tổng giá trị giá giải thưởng là 10.500.000 bao gồm 01 Giải nhất (trị giá 2,000,000 đồng); 02 Giải nhì (trí giá 1.000.000 đồng); 03 Giải ba (trị giá 500.000 đồng) và 10 Giải khuyến khích (mỗi giải trị giá 300.000 đồng). Mỗi giải thưởng sẽ kèm theo Chứng nhận Giải thưởng của BTC.
Trên đây là kế hoạch tổ chức Cuộc thi viết “Câu chuyện tình nguyện”. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ:
· Trung tâm Thông tin Nguồn lực Tình nguyện Việt Nam; Địa chỉ: Tầng 3, Nhà 64 Bà Triệu, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội; Điện thoại: 04.62631924 – 0988558855 (Anh Nguyễn Hữu Tú).
· Chương trình Tình nguyện viên Liên Hợp quốc; Địa chỉ: 25 – 29, Phan Bội Châu, Hoàn Kiếm, Hà Nội; Điện thoại: 04.39421495 – 0918850350 (Chị Đoàn Khuê)