Gã của bây giờ có một cơ ngơi bề thế, với một trang trại chăn nuôi rộng hàng chục hécta, đủ tạo công ăn việc làm cho mấy đứa em rảnh rỗi sinh nông nỗi trên địa bàn. Gã cũng có một gia đình hạnh phúc đáng mơ ước, hai trong số 3 đứa con đã ổn định công việc ở nước ngoài, đứa còn lại đang miệt mài lập nghiệp bằng con đường khoa cử. Ít ai biết rằng, một thời gã đã từng vào tù ra tội, lang bạt kỳ hồ và là nỗi khiếp đảm của gia đình lẫn chính quyền địa phương nơi gã sinh sống. Gã ngồi với tôi trong một buổi sáng lách nhách mưa ở phố huyện Yên Thành, trong chính quán cà phê do một tay gã lập nên từ sau khi rũ bỏ quá khứ bất hảo để làm lại cuộc đời. Gã 42 tuổi, dáng người nhỏ thó nhưng cương nghị, và dù chẳng liên quan gì đến những chuyện từ quá khứ, nhưng với những đám thanh niên choai choai, gã vẫn là đàn anh, được kính nể khi chính gã đã tạo công ăn việc làm, giúp chúng không giẫm lên lối mòn quá khứ của chính bản thân mình. Một thời lang bạt kỳ hồ Cũng như bao lớp trai tráng trong vùng thời bấy giờ, gã xuất thân từ gia đình nông dân, đông anh em nên chuyện học hành gần như trở thành thứ xa xỉ. Học xong cấp II, gã xung phong vào bộ đội, và chính những năm tháng rèn luyện trong môi trường quân ngũ ấy đã tôi luyện thêm cái gọi là ý chí thép trong con người gã, để rồi khi giải ngũ về lại với đời thường, bản tính phóng khoáng cộng với vài biến cố nhỏ trong cuộc đời đã biến gã trở thành một kẻ lì lợm, chọc trời khuấy nước và coi ai chẳng ra gì. Chuyện bắt đầu từ việc gã rời quân ngũ trở về nhà được một thời gian thì mẹ ốm nặng, phải nhập viện và dĩ nhiên là phải cần nhiều tiền. Để trang trải viện phí, gã chấp nhận vào làm việc cho một tay chuyên sản xuất và tiêu thụ phân bón rởm trong vùng. Thấy gã có tiếng lì lợm, lại thu phục được nhiều đàn em nên tay ông chủ kia lợi dụng, nhận gã về để chuyên bảo kê thị trường phân phối. Gã biết mình bị lợi dụng, nhưng không còn cách nào khác, gã chấp nhận làm tay sai để đổi lấy tiền. Đó là thời điểm đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Tết âm lịch cuối năm đó, trong một lần tranh giành lãnh địa bán sản phẩm với một cơ sở khác, gã đụng độ với một tay anh chị cũng được bên kia thuê về và hai bên xảy ra huyết chiến. Kết quả, gã đã dằn mặt được đối phương, song cũng lần ấy gã bị bắt giam và bị kết án 9 tháng tù giam về tội “cố ý gây thương tích”. “Bỗng dưng” vào tù vì lý do lãng xẹt, những ngày thụ án tâm tưởng gã hoang mang, chán chường bởi đó cũng là thời điểm gã chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng ra đời. Gã cũng không ngờ rằng, quãng thời gian mình nằm ở trại giam, một người anh khác cũng rơi vào lao lý. Gia cảnh càng khốn khó lại túng bấn thêm, mẹ đau yếu, cha chán nản sinh ra nát rượu, vợ gã tủi phận vượt cạn một mình. Trở về từ nhà giam, thấy gia cảnh nheo nhóc, gã sinh hận và giở thói côn đồ từ đấy. Ban đầu, gã tự sắm một chiếc xe đạp, hai bên gắn hai thùng xốp to tướng đi bán kem dạo. Thời điểm bấy giờ, nghề bán kem dạo đang hốt ra tiền, nên gã quyết chí mưu sinh. Cái cách mà gã kinh doanh cũng khác người, gã không đạp xe chạy lông rông khắp hang cùng ngõ hẻm, mà đi nghênh ngang giữa đường, gặp ai là gã dừng lại, chặn đường bắt mua. Có những khi chán đạp xe, gã cố tình tạo va quệt với người khác và bắt đền. Cũng bởi vậy, lúc bấy giờ hễ thấy bóng dáng Hoàn “kem” ở đâu là mọi người lại tránh xa, ngại chạm mặt kẻo rước họa vào thân. Bán kem một thời gian, một chiều nọ tự dưng gã chán kinh doanh, đạp thẳng ra bờ sông Dinh sau phố huyện rồi lao cả xe cả kem xuống sông rồi thủng thẳng ra về. Từ đấy, gã kiếm tiền bằng cách làm bảo kê tại các bến bãi. Phố huyện Yên Thành lúc bấy giờ đang thời kỳ giao thoa giữa nông thôn và thành thị nên có đủ các loại tệ nạn xã hội từ phố du nhập về. Để lấy số má, gã thu nạp hàng chục đàn em dưới trướng, khi cần gã kêu một tiếng lập tức chúng kéo đến giúp đàn anh, bất luận là việc gì, từ dằn mặt, trộm cắp, đâm chém đến mở sòng bài, dắt gái làng chơi… Cả một vùng từ Yên Thành đến Diễn Châu, Quỳnh Lưu, nhắc đến danh “Hoàn sứt”, không ai là không biết sợ. Chuyện tất yếu rồi cũng đến, trong một lần gây hấn, gã đã bị bắt và vướng vòng lao lý lần thứ 2, với án tù 4 năm, thụ án tại Trại giam số 6. Đấy cũng là thời điểm vợ gã sinh con thứ 2. Trong thời gian gã ở tù, chị nhà vẫn chung thủy chăm con, chờ chồng. Một tay ôm con, một tay chạy chợ khắp nơi, vừa nuôi con, vừa chăm sóc bố mẹ chồng già yếu. Chính những lần chị này ôm con vào trại thăm nuôi đã thức tỉnh lương tri lương năng trong con người gã. Mãn hạn tù trước thời gian, Tết Nguyên đán năm 1997, gã được trở về sum họp với gia đình. Nhìn hai đứa con nheo nhóc trong thời gian vắng đi sự chăm sóc của người cha, gã tự nhủ với lòng mình, sẽ không giẫm lên lối mòn sai lầm của quá khứ, để nuôi dạy con cái và thoát khỏi kiếp sống nghèo khổ của gia đình. Đoạn tuyệt với quá khứ lầm lỗi Trở về từ nhà giam, gã cầm trong tay số tiền mà chị Hiền, vợ gã cóp nhặt được trong thời gian gã ở tù, bảo chồng kiếm nghề mưu sinh, làm lại từ đâu. Với số tiền ít ỏi chưa đủ một triệu đồng, gã cay đắng vật vã mưu sinh. Chợt nhớ, trước đây cha gã có làm nghề thợ rèn, gã quyết chí mua sắm đồ nghề, bắt đầu làm lại cuộc đời bằng nghề rèn. Cầm tiền vào Vinh mua đồ nghề, gã vô tình gặp lại mấy tay anh chị đã từng nằm chung buồng giam, rủ rê gã trở lại con đường lang bạt kỳ hồ song gã kiên quyết đoạn tuyệt. Trở về phố chợ với lỉnh kỉnh đồ nghề trên tay, gã quyết tâm làm lại cuộc đời, bắt đầu bằng những tiếng đe, tiếng rèn sắt chói tai. Cần mẫn được một thời gian, ki cóp được ít vốn liếng, thấy nghề rèn cực quá, gã mua một chiếc xe máy cà tàng, chuyển qua nghề xe ôm, bỏ mối hàng hóa cho các hàng quán trên địa bàn. Từ một chân chạy lẻ, dần dà gã gây dựng được cơ đồ, mở cửa hàng rồi trở thành đại lý phân phối bia hơi, đá lạnh nổi tiếng cả một vùng quê lúa. Có chút vốn liếng, gã nhận bao thầu cả một khúc sông Đình, ngăn sông, kè bờ làm trang trại chăn thả cá, nuôi vịt và trồng sen. Trên bờ sông gió mát, gã mở thêm quán cà phê, tiệm internet… Chẳng mấy chốc, từ hai bàn tay trắng, gã đã gây dựng được một cơ ngơi đáng phải mơ ước. Lúc này, cần thêm người làm và trông coi, gã kêu mấy đứa thanh niên choai choai vô công rỗi nghề trong làng đến, tạo công ăn việc làm. Trong số đó có cả những đứa đã từng dính chàm, xộ khám, nhiều đứa mới tí tuổi đầu đã học đòi thói đại ca được gã kêu về, giao việc cho làm để tránh đi phải con đường lầm lỡ mà thời trai trẻ gã đã chót vướng vào. Hiện, gã đang xây dựng một nhà hàng, quán karaoke để cho đứa em kế mưu sinh, còn gã bớt tham công tiếc việc hơn để có thời gian dạy bảo con cái. Nói về gia đình, gã nhìn về người đàn bà phúc hậu đang đon đả bán hàng cho khách, không giấu vẻ cảm phục, rằng chính Hiền (Nguyễn Thị Hiền – vợ gã, PV) đã vực dậy cuộc đời tưởng như tăm tối của mình. Hai lần gã vào tù, cả hai lần vợ gã phải tự vượt cạn một mình. Sinh con chưa đầy tuần, vợ gã đã phải dậy để tất tả chạy chợ kiếm tiền đong gạo. Rồi những ngày gã thụ án tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An ở TP Vinh hay ở Trại giam số 6 trên huyện miền núi Thanh Chương, vợ gã vẫn đều đặn thăm nuôi. Ngày ra tù, gã thấy mình là người hạnh phúc nhất khi vẫn có vợ con đến tận cổng trại đón rước, trong khi rất nhiều bạn tù khác đã phải ngậm ngùi chịu cảnh vợ bỏ, con quay lưng. Gã bảo, mấy chục năm ki cóp tiền bạc kể từ lúc ra trại đến giờ, có bao nhiêu tiền gã đều “nướng” vào con đường học vấn cho con cái. Hiện nay, ba đứa con của gã đều ăn học tử tế, đứa con đầu Nguyễn Minh Hòa sau khi tốt nghiệp THPT đã sang Vương quốc Anh du học, hiện cháu đã hoàn thành chương trình đại học và ở luôn bên ấy. Cháu thứ 2 Nguyễn Quang Vinh cũng đã hoàn tất thủ tục, chờ ngày bay để sang CHLB Đức làm việc. Còn cháu gái Nguyễn Thị An Na đang học cấp II ở trường chuyên nổi tiếng quê lúa. Với gã, như thế đã là viên mãn, giờ gần như mọi công việc kinh doanh, gã đều giao cả cho vợ quản lý. Trong thời điểm về quê lúa thực hiện bài viết về gã, tôi tình cờ gặp Thượng tá Phạm Xuân Khánh, Phó trưởng Công an huyện Yên Thành. Thượng tá Khánh cho biết thêm, một thời làng Lý Nhân quê gã có không ít đại ca, lớp trẻ cũng vì thế nhiều đứa a dua, đua đòi theo thói hư tật xấu. Nhưng từ ngày gã quay đầu hướng thiện, nhiều thanh thiếu niên chậm tiến đã được cảm hóa. Từ nhiều năm nay, gã chính là cộng sự quan trọng từ cơ sở để đơn vị nắm bắt được nhiều thông tin liên quan đến an ninh trật tự tại địa phương, nhờ đó Lý Nhân luôn được yên bình, dù thị tứ nhỏ này ẩn chứa không ít nguy cơ, tiềm ẩn xấu.
| |
Thành Vinh - Công an nhân dân |