Câu lạc bộ tình nguyện Hòa Bình Xanh Việt Nam


Văn minh tờ rơi

    khanhlinh2309
    khanhlinh2309
    Cấp 5
    Cấp 5
    Đến từ Đến từ : thptchuyen lam son

    Văn minh tờ rơi Empty Văn minh tờ rơi

    Bài gửi by khanhlinh2309 12/10/2010, 20:59

    “Văn minh” tờ rơi

    Tờ rơi là một loại hình quảng cáo văn minh, nhanh gọn, tiện lợi, hiệu quả trong xã hội hiện đại. Nhưng xem cái cách người phát, người nhận ở nước ta hôm nay lại chẳng văn minh chút nào…



    Không nhận thì “dúi”

    Một công ti, một nhà hàng… muốn giới thiệu sản phẩm của mình đến đông đảo khách hàng, chỉ cần chi phí ra vài trăm nghìn in ra hàng nghìn tờ rơi quảng cáo sản phẩm, đầy đủ thông tin, sinh động, bắt mắt rồi đem đi phân phát cho người đi đường.

    Ở những thành phố lớn, tờ rơi được phát la liệt ở bến xe, cổng trường, ngã tư, vỉa hè… đâu đâu cũng thấy tờ rơi. Dạo qua vài vòng quanh mấy trường học, bến xe ở quận Cầu Giấy, dễ dàng bắt gặp hình ảnh mấy cô, cậu sinh viên trên tay cầm một xấp tờ rơi đang lăm le, trực “dúi” vào tay người đi đường. “Ai không nhận thì mình dúi vào tay thì họ sẽ phải cầm” - Nghĩa (sinh viên Đại học Luật- Hà Nội) tâm sự. Nghĩa làm công việc phát tờ rơi cho một công ti chuyên về mĩ phẩm, mỗi ngày phải phát trung bình gần 500 tờ rơi, tiền công ăn theo phần trăm sản phẩm. “Ngày nào, cũng đứng mỏi cả chân ở bến xe, cổng trường mới phát hết đống tờ rơi dày cộm. Đấy còn là phát mỗi người 4-5 tờ” - Nghĩa cho biết. “Nhiều người nhận tờ rơi chẳng buồn đọc, vội thả ngay xuống lòng đường, cau mày, khó chịu. Nhưng không phát cho họ thì không hết được” - cậu sinh viên này than thở. Nghĩa bảo, có hôm may mắn lắm gặp mấy bạn sinh viên vui tính, họ còn xin tờ rơi mang đi phát hộ cho nên nhanh hết lắm.

    Còn có cách phát khá hiệu quả khác là vào những nhà xe của trường học bỏ vào giỏ xe máy, xe đạp mà không ít bạn sinh viên áp dụng. Quân - sinh viên đại học Hành chính kể: “Phát theo cách này, chỉ cần dành 15, 20 phút là mình phát veo đống tờ rơi, mà người nhận không nhận cũng phải nhận”.

    “Con đường tờ rơi”

    Không biết, từ bao giờ ở Hà Nội có những con đường mang tên “Con đường tờ rơi” bới vì số lượng tờ rơi vứt ra nhiều vô kể. Những con đường ấy chủ yếu là những nơi có nhiều bến xe buýt hay trường học như Xuân Thủy - Quận Cầu Giấy, Nguyễn Chí Thanh - Quận Đống Đa, Nguyễn Trãi - Quận Thanh Xuân… Sau mỗi giờ tan học, ở các cổng trường đại học luôn có một “đội ngũ” hùng hậu, đợi sẵn phát tờ rơi. Và cùng đó là những cơn mưa tờ rơi trắng xóa trên đường, chỉ toàn giấy là giấy, mặc kệ cho gió cuốn đi. Lúc đang đi đường, có người chìa tay ra phát cho tờ rơi, chẳng nhẽ lại không nhận, nhưng nhận xong thì vội vàng thả xuống lòng đường cho qua chuyện. Hiếm hoi lắm mới thấy có người nào đó kiên nhẫn cầm cho đến khi gặp thùng rác rồi bỏ vào.

    Còn trong những lán xe trường học, tờ rơi rải trắng dưới chân. Các bạn sinh viên thấy giấy trong giỏ xe, liếc qua chút rồi vo tròn ném đi. Lan (sinh viên trường Báo chí) bực dọc: “Hôm nào cũng thấy tờ rơi cài ở xe, các bác bảo vệ không để ý cứ cho người ta thản nhiên phát tờ rơi trong lán xe, làm mất mĩ quan trường học”.

    Phương tiện lừa đảo

    Với một số công ti, tờ rơi là phương tiện thuận lợi, dễ dàng để phục vụ cho mục đích lừa đảo của mình. Trên mỗi tờ rơi đều có những thông số cần thiết để tuyển việc làm như nhân viên phát tờ rơi để phục vụ cho dịp công ti, siêu thị khuyến mại sản phẩm; địa điểm phỏng vấn; rồi mức lương khá hấp dẫn cho một ca làm việc là 120 ngàn đồng- 180 ngàn đồng/ 2 giờ…

    Đại - tân sinh viên của trường Đại học Thương Mại là nạn nhân của những tờ rơi lừa đảo ấy. Một lần, tình cờ đi học về nhận được một tờ rơi, thông báo tuyển nhân viên đi phát tờ rơi quảng cáo sản phẩm của một công ti nọ, Đại háo hức với mức lương trả hậu hĩnh, hôm sau tìm đến tận nơi, theo địa chỉ in trên tờ rơi. Mới đầu, các anh chị trong công ti đã vội nhận Đại là nhân viên chuyên phát tờ rơi, nhưng phải nộp 100 ngàn để làm thẻ nhân viên. Quá tin tưởng, Đại không ngần ngại nộp tiền, rồi ngay hôm sau đến nhận việc, theo lời của chị ở công ti. Ngày đầu tiên đi phát tờ rơi, Đại phát hết veo 300 tờ rơi công ti giao cho. Lạ thay, nội dung mấy tờ Đại phát chẳng khác gì tờ rơi mà cậu ấy nhận được mấy ngày hôm trước. Oái oăm thay, đến nhận tiền công sau khi hoàn thành công việc, Đại khá bất ngờ khi chị quản lý cho hay, tiền công sẽ tính vào cuối tháng với điều kiện: có 20 người nhận được tờ rơi đến công ti làm việc thì Đại sẽ nhận được số lương theo ca đúng như thỏa thuận lúc đầu; còn không tiền công tính theo sản phẩm, mỗi tờ rơi của mỗi người đến công ti xin việc Đại sẽ nhận được 50 ngàn đồng. Xem kĩ trên tờ rơi, Đại nhìn thấy dòng chữ nhỏ, in nghiêng nằm cuối mỗi tờ rơi: “Đến công ti nhớ mang theo giấy này”. Lúc đầu, khi nhận việc, Đại đâu có biết cách tính tiền lương rắc rối như thế. Làm gì trong một tháng có đến 20 người mang tờ rơi nhận được đến công ti xin việc, mà có chăng thì mình có biết đâu. Đến cuối tháng, công ti bảo được bao nhiêu thì biết bấy nhiêu, bảo chẳng được cũng đành phải nghe. Về xóm trọ, được mấy anh chị tư vấn, Đại mới vỡ ra là mình bị lừa, đành ngậm ngùi mất 100 ngàn làm thẻ nhân viên cùng công sức mấy ngày rạc rời cả chân đi phát hết số tờ rơi công ti giao cho. Đại không ngờ, vô tình là người “tiếp tay” cho công ti, lừa đảo người khác mà đa số là những “tân sinh viên” mới chân ướt, chân ráo ra Hà Nội trọ học còn “ngây thơ”, nhẹ dạ cả tin.

    Chẳng biết, văn minh của tờ rơi - một loại hình quảng cáo tiện lợi, hiệu quả đến đâu, nhưng chỉ thấy nó đem theo vô vàn những vấn nạn cho cảnh quan đô thị, xã hội. Rất cần ý thức văn minh của mọi người trong khi nhận tờ rơi và cảnh giác với những loại tờ rơi là phương tiện lừa đảo của công ti này, trung tâm nọ…