(TNO) Có mặt ở bệnh viện Thể thao Việt Nam từ ngày 23.7 để tập phục hồi chức năng, VĐV vật Lê Thị Huệ, người từng bị chấn thương nặng dẫn đến liệt nửa người 10 năm trước ấm áp trong sự chăm sóc của các y bác sĩ và những người thương yêu cô chân thành.
Lê Thị Huệ và mẹ |
Cô gái bất hạnh bị liệt nửa người trước SEA Games 22 từng nghĩ đến việc buông xuôi để không làm phiền mẹ già và gia đình, đã chậm rãi đi được những bước đi khó nhọc từ cuối năm 2003. Tuy nhiên, những cảm giác cho đôi tay và sự chuẩn xác trong cử động chưa trở lại với Huệ. 10 năm qua, Huệ sống nhờ vào sự chăm sóc của mẹ, bà Lường Thị Hường đã già yếu.
Huệ đi lại khó khăn, đôi nạng trên vai cô chưa đủ để nâng đỡ cơ thể đau đớn thể xác và những mệt mỏi, bất lực của tinh thần. Việc ăn uống của cô nhờ mẹ bón. Ngay cả những việc đi tiểu tiện, đại tiện hàng ngày, do hệ tiêu hóa của Huệ còn rối loạn... cô cũng phải nhờ đến mẹ.
Thế nhưng, cô gái không buông xuôi. Huệ tự tập đi, tập đứng, tập vận động đôi tay và bàn chân. Cho đến ngày hôm nay, khi đến bệnh viện thể thao Việt Nam, bước chân Huệ còn run rẩy, đôi tay cùng “ngượng”, chưa hành động đúng theo mong muốn của trí não nhưng nụ cười đã trở lại trên đôi môi, trong ánh mắt của Huệ.
Theo đánh giá của bác sĩ Nguyễn Văn Phú, phó giám đốc, trưởng khoa y học bệnh viện thể thao Việt Nam, Huệ đã và đang tiến triển rất tốt. Chưa thể nói đến bao giờ, Huệ có thể trở lại bình thường hoàn toàn, nhưng bằng nỗ lực của bản thân, Huệ đang cho mọi người thấy bản lĩnh và ước mơ được sống, được chiến thắng nỗi đau của cô.
[/font][/color]
Lê Thị Huệ và bác sĩ Nguyễn Văn Phú tập luyện với trái bóng chiều 25.7 |
Bác sĩ Phú cho biết thêm, việc điều trị cho Huệ cần sự kiên nhẫn. Giai đoạn 1 kéo dài 6, 8 tuần để phục hồi cơ bụng, cơ lưng, các khớp xương cổ tay, cổ chân để Huệ có thể đứng vững, đi lại không choáng. Giai đoạn 2 dài hơi hơn để giúp chị có thể thực hiện những động tác chính xác như cầm nắm đồ vật, cài khuy áo, xúc đồ ăn...
“Huệ sẽ như một đứa trẻ, học đứng, học đi, học cầm nắm đồ vật, từng bước một”, bác sĩ Phú chia sẻ.
Hiện tại Huệ đang tập tại phòng tập với sự giám sát của bác sĩ và các kỹ thuật viên. 2 tuần nữa sẽ có sự hỗ trợ của máy móc giúp chị phục hồi chức năng nhanh hơn. Sau 8 tuần điều trị tại bệnh viện, Huệ có thể tự tập các bài tập tại nhà hoặc ở các trung tâm bên ngoài.
“Huệ là một cô gái rất bản lĩnh khiến bản thân tôi khâm phục. Đừng nói đến chi phí điều trị, tổng cục thể dục thể thao và bệnh viện sẵn sàng san sẻ mọi khó khăn với Huệ. Chúng tôi quan tâm làm sao để Huệ có thể phục hồi tốt nhất”, thầy thuốc Nguyễn Văn Quang, giám đốc bệnh viện Thể thao Việt Nam tâm sự với chúng tôi về một “bệnh nhân đặc biệt” của bệnh viện những ngày này.
Huệ nằm ở tầng 3 bệnh viện thể thao. Theo chị mỗi bước chân ngày ngày là mẹ chị, bà Lường Thị Hường đã 70 tuổi. Mỗi bữa hai mẹ con gọi hai phần cơm 15.000 một suất vừa bón cho nhau ăn vừa trò chuyện.
“Tôi không say xe nên theo cháu đi từ Thanh Hóa ra đây. Không gì bằng mẹ chăm con”, bà Hường nói khi vừa chuẩn bị bón cơm cho con.
[/font][/color]
Trương Thanh Hằng (trái) và Lê Thị Huệ đang cùng điều trị ở Bệnh viện thể thao VN |
Dưới tầng 2 của bệnh viện thể thao là VĐV điền kinh Trương Thanh Hằng đang điều trị phẫu thuật rút đinh sau vụ tai nạn giao thông năm 2012.
Có điện thoại trong tay, Hằng và Huệ nhắn tin, gọi điện cho nhau suốt ngày. Huệ cử động tay khó khăn, nhắn tin và nghe điện thoại chậm nhưng có thể chống nạng xuống tầng 2 thăm Hằng.
Hằng chưa được đi lại, nhưng bù lại đôi tay chị có thể bóc nhãn, đưa sữa cho Huệ uống. Những nụ cười của hai cô gái làm căn phòng đầy màu trắng của bệnh viện thể thao ấm áp hơn.
“Tôi thương Huệ, cảm phục và thêm ngưỡng mộ chị. Mong sao Huệ mau bình phục”, Trương Thanh Hằng nói khe khẽ khi đưa tấm ảnh hai người chụp chung bên giường bệnh hôm qua cho chúng tôi. Trong đó, có hai cô gái đang cười. Họ còn rất trẻ.
[/font][/color]
Bài, ảnh: Thúy Hằng - Báo Thanhnien.com