Cá rô cá rạch/ Gặp trận mưa rào/ Mày chẳng ở ao/ Mày lên rãnh nước/ Nước xuôi mây ngược/ Mày thích ra sông/ Thỏa chí vẫy vùng…
Bài đồng dao này tôi nghe mẹ hát vào một chiều mưa, khi một con cá rô nhỏ xíu lạc theo dòng chảy lách tách rơi vào sân nhà tôi. Mẹ bắt nó thả vào thau nước, để ngày mai tôi đem thả nó về lại ruộng đồng.
Bài đồng dao này tôi nghe mẹ hát vào một chiều mưa, khi một con cá rô nhỏ xíu lạc theo dòng chảy lách tách rơi vào sân nhà tôi. Mẹ bắt nó thả vào thau nước, để ngày mai tôi đem thả nó về lại ruộng đồng.
Ấu thơ tôi lớn lên cùng đồng dao. Những câu hát ngô nghê dù có nghĩa hay vô nghĩa cũng chứa đựng một tâm hồn trong trẻo, một cái nhìn hồn nhiên trước cuộc đời. Những chiều mưa dầm ngồi trước hiên nhà nhìn bong bóng mưa lần lượt vỡ tan ra, tôi lại lẩm nhẩm: Lạy trời mưa xuống/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày/ Lấy đầy bát cơm/ Lấy rơm đun bếp.
Những đêm trăng sáng, chúng tôi thường tập trung trên bãi cát để chơi trò “Rồng rắn lên mây, có cây lúc lắc…” hay túm tụm lại và thay nhau đọc từng câu: Ông trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo/ Ông trăng xuống chơi học trò thì học trò cho bút/ Ông trăng xuống chơi ông Bụt thì ông Bụt cho chùa/ Ông trăng xuống chơi nhà vua thì nhà vua cho lính, cho đến khi không tìm ra người bạn nào cho ông trăng nữa thì thôi. Rồi trò Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa/ Con ngựa chết trương/ Ba vương ngũ đế. Cả những trò chơi đơn giản nhất cũng có câu hát: Tập tầm vông tay nào không, tay nào có? Tập tầm vó, tay nào có, tay nào không?
… Lâu rồi không nghe ai hát đồng dao. Cả những đứa trẻ ở miền quê xa cũng đã bắt nhịp được với cuộc đua của những con số trong sổ điểm. Bây giờ, những đứa trẻ sinh ra đều phải là thiên tài. Khi tôi lớn lên, “trẻ con” xa lạ với “thiên tài”. Những đứa trẻ quanh tôi chỉ quen với những bài đồng dao mỗi sáng và mỗi tối, với đất đai và cỏ cây. Bây giờ, mười lăm năm sau, những đứa trẻ ấy đang học tiến sĩ ở nước ngoài, khi chưa đầy 30 tuổi. Bây giờ, những đứa trẻ ấy là kiến trúc sư, giảng viên đại học, nhà báo và nhạc sĩ, vẫn sống hạnh phúc với mỗi ngày đang đến và những câu đồng dao trong ký ức.
Cũng như tôi, họ vẫn nhớ bài đồng dao về chiếc đồng hồ: Lúc la lúc lắc/ Tích ta tích tắc/ Ngày ngày đêm đêm/ Chỉ giờ chỉ khắc/ Người đời nhờ tôi/ Lúc làm lúc chơi/ Có giờ có giấc/ Ngày thức đêm ngơi (nghỉ).
Khi nhìn vào chiếc đồng hồ, bạn nhìn kim nào trước? Kim giờ hay kim phút? Tôi thì nhìn kim giây. Tôi thích những chiếc đồng hồ có kim giây. Khi chiếc đồng hồ còn chạy tốt, đó là chiếc kim duy nhất chuyển động bất cứ lúc nào ta nhìn vào mặt đồng hồ. Nó báo hiệu sự sống. Bây giờ, người ta ngày càng thích giản đơn, và những nhà sản xuất đồng hồ nhiều lúc bỏ quên mất chiếc kim giây.
Khi nhìn vào chiếc đồng hồ, bạn nhìn kim nào trước? Kim giờ hay kim phút? Tôi thì nhìn kim giây. Tôi thích những chiếc đồng hồ có kim giây. Khi chiếc đồng hồ còn chạy tốt, đó là chiếc kim duy nhất chuyển động bất cứ lúc nào ta nhìn vào mặt đồng hồ. Nó báo hiệu sự sống. Bây giờ, người ta ngày càng thích giản đơn, và những nhà sản xuất đồng hồ nhiều lúc bỏ quên mất chiếc kim giây.
Tôi thấy buồn vì người ta đã bỏ quên những khúc đồng dao đâu mất, loại chúng khỏi cuộc sống của trẻ con, xóa chúng khỏi ký ức của người lớn. Có ai đó đã nói rằng, khi người ta còn nhớ về tuổi thơ, là người ta còn có thể sống tốt đẹp. Trở về với đồng dao, là trái tim ta trở về với niềm hứng khởi nguyên sơ và ngời sáng. Tình yêu cuộc sống bỗng trỗi dậy và được thanh lọc khỏi những bộn bề rác rưởi của bao nhiêu năm tháng bon chen.
Cuộc đời bắt đầu từ những điều nhỏ bé, thời gian bắt đầu từ một giây. Và nhân loại, chẳng phải bắt đầu từ trẻ con đó sao?!