Đó là nhận định của giáo sư Úc Carl Thayer, một chuyên gia quân sự, trong bài viết trên tạp chí The Diplomat đăng tải ngày 8/10 vừa qua, vào thời điểm Việt Nam chuẩn bị nhận chiếc đầu tiên trong lô 6 tàu ngầm tấn công nhanh lớp Kilo đặt mua của Nga.
Tàu ngầm Kilo Nga đóng cho Việt Nam.
Theo giáo sư Carl Thayer, khi Việt Nam được chuyển giao 2 tàu ngầm tấn công nhanh lớp Kilo đầu tiên vào cuối năm nay, cán cân sức mạnh hải quân trên Biển Đông sẽ bắt đầu thay đổi. Các tàu ngầm của Việt Nam được thiết kế cho các sứ mệnh trinh sát chung, tuần tra, chống tàu ngầm và chống hạm. 4 chiếc tàu ngầm còn lại dự kiến sẽ được chuyển giao cho tới năm 2016.
Việt Nam đã đặt mua của Nga 6 chiếc tàu ngầm diesel lớp Kilo Dự án 636 vào tháng 12/2009. Tàu ngầm lớp Kilo có trọng tải rẽ nước 3.000-3.950 tấn, có tầm xa 9.600km trong 45 ngày và có thể lặn sâu tối đa 300m, đạt vận tốc 5km/h ở chế độ im lặng và vận tốc tối đa có thể lên tới 37km/h. Tàu ngầm Kilo có sức chứa 52 thủy thủ và được trang bị ngư lôi hạng nặng 533M cùng tên lửa chống hạm 3M54 Klub-S với tầm xa 300km.
Tàu ngầm đầu tiên, HQ Hà Nội, bắt đầu được đóng vào tháng 8/2010 tại xưởng đóng tàu Admiralty tại St. Petersburg. Một năm sau tàu đã được hạ thủy và bắt đầu thử nghiệm trên biển vào tháng 12/2012. Thủy thủ cho tàu bắt đầu được huấn luyện vào tháng 1 năm nay. Trong khi đó, tàu thứ hai, HQ Hồ Chí Minh, bắt đầu được đóng vào tháng 9/2011, được hạ thủy vào tháng 12/2012 và hoàn thành thử nghiệm trên biển vào cuối tháng 4 vừa qua. Thủy thủ trên tàu thứ hai bắt đầu được huấn luyện vào tháng 7. Tàu thứ ba, HQ Hải Phòng, dự kiến sẽ được hạ thủy vào cuối năm nay.
Theo đánh giá của trang Defenseindustrydaily.com, tàu ngầm lớp Kilo của Nga là loại tàu ngầm được xuất khẩu rộng rãi khắp thế giới, nổi tiếng bởi sự “lặng lẽ”, không phát ra nhiều tiếng ồn, hơn hẳn các thiết kế khác của Nga. Tàu ngầm lớp Kilo được sản xuất theo Dự án 877EKM và Dự án 636M “Kilo nâng cấp”, loại Việt Nam đang đặt mua. Cho đến nay, Nga đã bán 30 chiếc tàu ngầm Kilo cho 7 nước trong đó có Algeria, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Ba Lan và Romania. Riêng Trung Quốc đang sở hữu 12 chiếc.
Tuy nhiên tàu ngầm disel-điện lớp Varshavyanka Việt Nam đặt mua là phiên bản cải tiến mới nhất, Dự án 636MV, có tầm xa tốt hơn, tốc độ, độ tin cậy, sức bền, ngói chống dội âm và hỏa lực mạnh hơn những phiên bản trước. Tàu ngầm Dự án 636MV được cải tiến về công nghệ tàng hình, với vỏ tàu được làm bằng ngói cao su chống dội âm nhiều lớp, hấp thu được sóng sonar, có thể làm giảm và làm biến dạng tín hiệu dội lại. Ngói dội âm cũng ngăn chặn âm thanh phát ra từ tàu ngầm, nên giảm đi khoảng cách bị phát hiện bởi sonar thụ động.
Theo phân tích mới đây của chuyên san quốc phòng Kanwa Defense Review tại Canada, loại tàu ngầm Kilo mà Nga đóng cho Việt Nam có thể hiện đại hơn loại đã bán cho Trung Quốc, với kính viễn vọng tốt hơn, vỏ tàu bằng chất liệu không phản xạ tốt hơn, khiến cho việc bị phát hiện khó khăn hơn. Cũng theo nguồn tin này, hạm đội tàu ngầm “sẽ tăng cường uy lực của Hải quân Việt Nam”, cũng như mang lại lợi thế tốt hơn cho Việt Nam trên Biển Đông.
Còn theo hãng tin Ria Novosti của Nga, tàu ngầm lớp Kilo Dự án 636 được Hải quân Mỹ mệnh danh là “lỗ đen trên đại dương” bởi chúng gần như không bị phát hiện mỗi khi trồi lên trên mặt nước.
Tàu ngầm Dự án 636MV có 6 ống phóng ngư lôi 533 phía trước và có thể mang 18 ngư lôi (6 nạp sẵn và 12 dự trữ) hoặc 24 mìn (2 nạp sẵn và 12 dự trữ). 2 trong số ống phóng ngư lôi được thiết kế nhằm bắn ngư lôi điều khiển từ xa với độ chính xác rất cao. Tàu ngầm Kilo cải tiến cũng có thể phóng tên lửa chống hạm từ ống phóng ngư lôi và có thể mang tên lửa phòng không MANPADS Strela-3.
Sau chuyến công du Nga của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh hồi tháng 8 vừa qua, Việt Nam đặt mua thêm 12 máy bay chiến đấu đa năng Sukhoi Su-30MK2, được cho là có trị giá khoảng 450 triệu USD. Các máy bay này được chuyển giao theo 3 đợt, mỗi đợt 4 chiếc từ năm 2014-2015.
Theo ông Thayer, cộng thêm với phi đội chiến đấu cơ Su-30 Việt Nam vừa đặt mua, lực lượng tàu ngầm sẽ tăng cường đáng kể khả năng của Việt Nam trong việc triển khai sức mạnh trong vùng lãnh hải của mình trên Biển Đông và nâng cao năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập của quân đội Việt Nam.
Theo Dân Trí