Hàng năm, cứ mỗi dịp xuân về và ngày 27/2 lại đến. Mọi người trong ngành Y náo nức, vui mừng ôn lại truyền thống “Ngày thầy thuốc Việt Nam”. Một truyền thống đã có từ rất lâu trong đời sống của người Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp đó đã trở thành một đạo lý cao cả, thiêng liêng thắm sâu vào tiềm thức, tình cảm của những ai mang dòng máu con Rồng cháu Lạc, dòng máu Việt. Vì thế, đã từ lâu ngày 27/2 không chỉ là ngày lễ của riêng ngành Y tế mà còn là ngày hội lớn của toàn xã hội. Đây là ngày hội quan trọng nhằm tôn vinh nghề thầy thuốc, tôn vinh những tấm lòng phục vụ và trái tim biết yêu thương con người của các y bác sĩ và những người làm công tác trị bệnh cứu người.
Đối với mỗi bản thân chúng ta, biết bao nhiêu mùa lễ 27/2 đã trôi qua, nhưng cứ đến ngày này và đặc biệt là trong những giờ phút thiêng liêng và quý báu này, chúng ta bỗng run lên sự bồi hồi, xúc động sâu lắng khó tả, xen lẫn niềm tự hào khi nhìn về mỗi chặng đường mà chúng ta đã đi qua.
Sau nhiều năm công tác tại Quê nhà, mỗi khi nhìn về những ánh mắt thân thương của người bệnh, đặc biệt là đồng bào dân tọc mình, Người nghèo, người già..., bản thân tôi tự hỏi lòng làm thế nào để tìm và nghiên cứu cách điều trị bệnh tốt nhất cho người dân và cộng đồng. Điều đó khiến tôi lúc nào cũng nghĩ đến “niềm vinh dự và trách nhiệm” nhiều hơn, nhưng để thực hiện được trách nhiệm cao cả đó đòi hỏi bản thân phải có một trình độ chuyên môn và tay nghề cao hơn nữa. Với suy nghĩ đó, tôi đã bất chấp mọi khó khăn của hoàn cảnh, cùng với ý chí vươn lên chính mình không ngại khó của tuổi trẻ và lòng yêu nghề, thương bệnh nhân.
Dù ở cương vị nào trong nghề, tôi vẫn không ngừng cố gắng, bồi dưỡng chuyên môn, thường xuyên cập nhật kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp để không ngừng nâng cao tay nghề phục vụ bệnh nhân. Vâng! có lẽ không chỉ riêng mình tôi, mà tất cả chúng ta những người làm thầy thuốc đều có chung một suy nghĩ đó là luôn coi mình là một người đầy tớ của nhân dân, một người thầy thuốc của nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân, mang tình thương đến trực tiếp cho bệnh nhân hay gián tiếp thông qua đồng nghiệp để góp phần chăm lo bảo vệ nâng cao sức khỏe cho nhân dân ngày một tốt hơn.
Qua những năm tôi đã công tác qua, bản thân tôi đã nhận ra rằng: Nghề Y không đơn thuần chỉ là nghề để kiếm sống, mưu sinh mà là nghề thực hiện sứ mệnh thiêng liêng là trị bệnh cứu người.
Nghề Y đâu chỉ có kiến thức, có chuyên môn là đủ mà cần phải có trái tim nhân hậu, tấm lòng yêu nghề và sự hy sinh thầm lặng.
Khi nói đến nghề Y, chắc hẳn trong chúng ta không ai quên được lời dạy của Bác Hồ: “Lương Y phải như từ mẫu”, người thầy thuốc phải như mẹ hiền, phải toàn tâm, toàn ý chăm lo cho sức khỏe nhân dân, yêu thương người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Câu nói ấy rất đúng, vẫn còn giữ nguyên giá trị.
Mỗi nghề đều có giá trị về tinh thần và những đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Nhưng nếu được chọn lựa lại ước mơ nghề nghiệp, tôi vẫn chọn nghề Y. Vì đó là nghề cao quý nhất, nghề vinh quang nhất vì xã hội đã giao cho thầy thuốc nắm trong tay sinh mạng quyết định sự sống chết của con người.
Nếu có ai đó nói rằng: Nghề Y là an phận, nghề Y là nhàn hạ, thì điều đó là không đúng. Vì nghề y là một nghề rất vất vả và cần rất nhiều sự hy sinh trong lặng lẽ. Nghề Y là nghề của những người luôn trăn trở về sức khỏe, tính mạng của con người. Đó là vinh hạnh của nghề Y nhưng cũng là thách thức rất nặng nề.
Có thể cuộc sống thật phức tạp và hơi khắc nghiệt, nhưng tôi nghĩ đã chọn nghề Y thì phải thật sự yêu nghề, dấng thân và sống cống hiến hết mình cho nghề.
“ Nếu được làm hạt giống để mùa sau
Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa
Vui gì hơn làm người lính đi đầu
Trong đêm tối tim ta làm ngọn lửa”