Tuyên bố trên được bà Joanne Liu, Chủ tịch quốc tế Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) đưa ra sau chuyến thăm kéo dài 10 ngày tới Tây Phi.
Bà Joanne Liu khẳng định phải cần nhiều chuyên gia tới khu vực này hơn, đồng thời bà cũng chỉ trích việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khấn cấp y tế trên toàn cầu quá muộn.
Phát biểu trong buổi họp báo tại Geneva, bà Liu cho biết: “Chúng ta cần những người có kỹ năng thực hành tốt để chống lại dịch bệnh này... Tôi cho rằng việc WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn cầu nhằm kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng là quá muộn... Chúng ta đã có sự hiểu biết chung về dịch bệnh này, tuy nhiên chúng ta phải tìm cách để biến sự hiểu biết này thành hành động cụ thể. Một tuyên bố chỉ có thể cứu được nhiều mạng sống nếu như chúng ta theo dõi sát sao tình hình.”
Các nhân viên của Tổ chức Bác sĩ không biên giới đang chuẩn bị trước khi vào khu vực cách ly tại một trung tâm điều trị Ebola ở Kailahun, Sierra Leone
Trước đó vào hôm thứ 5, WHO cho biết các nhân viên của họ tại Tây Phi khẳng định có bằng chứng cho thấy con số thống kê số người nhiễm bệnh và tử vong vì Ebola được đánh giá ở quy mô thấp, dẫn tới tình tình trạng coi nhẹ dịch bệnh. Hiện đã có 1.069 trường hợp tử vong trong số 1.975 ca nhiễm bệnh, phần lớn là ở Guinea, Sierra, Leone và Liberia, trong khi đó tại Nigeria có 4 người thiệt mạng.
Bà Liu khẳng định “Nếu chúng ta không ổn định tình hình tại Liberia, chúng ta sẽ không bao giờ ổn định được khu vực này. Sẽ phải mất tới 6 tháng chúng ta mới có thể kiểm soát được dịch bệnh này.”
Trước đó vào ngày 31/3, các chuyên gia đầu tiên của tổ chức nhân đạo Bác sĩ không biên giới đã tới Guinea, quốc gia có ca nhiễm Ebola đầu tiên. Hiện tổ chức này cũng đang điều hành nhiều trung tâm chữa trị Ebola ở Tây Phi. Tuy nhiên có quá nhiều người nhiễm bệnh đã khiến các bác sĩ của tổ chức này rơi vào tình trạng quá tải.