Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Ủy ban quốc gia về Thanh niên cần tham mưu, đề xuất cụ thể và có những chỉ đạo quyết liệt nhằm phát huy tối đa sức mạnh lực lượng lao động trẻ trong giai đoạn “dân số vàng” để phát triển kinh tế-xã hội, dựng xây đất nước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần lựa chọn điểm đột phá cụ thể, bên cạnh chính sách chung, để tạo bước chuyển căn bản trong công tác thanh niên.
Chiều 9/2, tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia về Thanh niên tổ chức Hội nghị toàn thể lần thứ 25. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Năm 2014, Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham gia góp ý xây dựng các văn bản chính sách pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên; tổ chức các hoạt động đối ngoại nhà nước về thanh niên, triển khai một số đề án, chính sách liên quan đến thanh niên.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo của một số bộ, ngành là thành viên của Ủy ban đề nghị trong năm 2015, Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam cần tập trung vào nội dung nghiên cứu, đề xuất xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên trong đó có việc nghiên cứu, sửa đổi Luật Thanh niên để phù hợp với tình hình thực tế.
Ủy ban cũng sẽ tiến hành điều tra, rà soát đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật đối với thanh niên, trong đó có chính sách đối với thanh niên khuyết tật, chính sách tạo việc làm cho thanh niên; quan tâm tới nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh cho thanh thiếu nhi; tháo gỡ khó khăn cho thanh niên làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất...
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh VGP/Đình Nam
Ghi nhận những kiến nghị của Ủy ban, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh hệ thống văn bản của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác thanh niên đã tương đối đầy đủ từ nghị quyết Trung ương đến chiến lược phát triển thanh niên, vấn đề lớn nhất là triển khai, thực hiện. Vì vậy, các kiến nghị cần lựa chọn điểm đột phá cụ thể, bên cạnh chính sách chung, để tạo bước chuyển căn bản công tác thanh niên trong học tập, việc làm và các phong trào văn hóa, thể dục thể thao, hoạt động vì cộng đồng.
Đơn cử như đề ra kế hoạch nhằm tăng cường giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật cho thanh niên triển khai sâu rộng trong sinh hoạt của từng tổ chức, đoàn thể thanh niên để “mỗi thanh niên ra đường, dù lúc nửa đêm, vắng người vẫn không vượt đèn đỏ”.
Hay trong đổi mới giáo dục, đào tạo, bên cạnh vấn đề chuyên môn, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, Đoàn Thanh niên hoàn toàn có thể tham gia vào công tác giáo dục, hình thành nhân cách cho các cháu học sinh từ những việc rất nhỏ như hát quốc ca, cách chào thầy cô, người lớn tuổi, trực nhật, trồng cây, cắm trại…
Với tinh thần như vậy, Ủy ban quốc gia về Thanh niên cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng chương trình hành động cụ thể để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học; kết nối hệ thống sàn giao dịch, trung tâm giới thiệu việc làm với mục đích cuối cùng là học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm. Đồng thời, mạnh dạn đi đầu trong xã hội hóa, liên kết với DN để vận hành hiệu quả các trung tâm dạy nghề, sàn giao dịch việc làm thực thuộc có hiệu quả nhất.
Phó Thủ tướng cũng gợi ý Ủy ban quốc gia về Thanh niên, Đoàn Thanh niên nghiên cứu, đề xuất chương trình phổ cập thông tin khoa học, kỹ thuật cho mọi người, nhất là thanh niên ở vùng nông thôn, miền núi.
“Có thể coi đây như một chương trình “bình dân học vụ” để người dân, trước hết là thanh niên nắm được những kiến thức khoa học, kỹ thuật cơ bản trong ngành nghề của mình như nông dân biết nuôi cá, tôm, trồng hoa thế nào… cho đúng. Ủy ban quốc gia về Thanh niên, Đoàn Thanh niên hoàn toàn có thể làm được việc này, từ đó đóng góp rất cụ thể, thiết thực cho công tác thanh niên”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Trang tin điện tử Chính Phủ