Những tháng ngày buồn của cô bé 8 tuổi sắp lìa xa cõi đời
Trong ánh sáng mờ mờ yếu ớt cuối chiều, người mẹ vật vã trong nỗi đau bên cạnh đứa con thơ vừa được bệnh viện trả về vì không còn cách nào cứu được, khiến tôi cũng như chết lặng không thể cất lên nổi một lời động viên an ủi...
Em tên là Lê Ngọc Thúy, năm nay 8 tuổi, đang học lớp 3 trường tiểu học Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội. Căn bệnh ung thư gan đã đến giai đoạn cuối, nghĩa là cái chết đang đến rất gần, nhưng sự thật nghiệt ngã ấy chỉ mỗi em không được biết, còn bố mẹ em thì bao đêm khóc cạn nước mắt khi bất lực nhìn đứa con bé nhỏ đang dần lìa xa.
Thúy vẫn chưa biết bệnh của mình đã hết cách chạy chữa, em vẫn ngồi học để mong ngày trở lại trường.
Trong căn nhà nhỏ lụp xụp, Thúy với cái đầu không một sợi tóc vẫn ngồi lần dở từng cuốn sách, tập vở để học. Dù là thời gian nghỉ hè, nhưng Thúy muốn học đề bù lại thời gian ngắt quãng khi em phải liên tục chạy chữa bệnh tật trước đó. Một lúc sau, tôi chợt thấy em kêu đau. Cơn đau đột ngột dữ dội khiến em lịm dần, lịm dần nhưng tay vẫn nắm chặt quyển sách....
Chị Đàm Thị Thơm, mẹ của bé Thúy nhanh chóng lấy những miếng cao dán khắp cơ thể em, rồi vừa ôm con chị vừa nói trong dành dụa nước mắt: “Cháu nó thích học lắm, cứ ngồi dậy được lúc nào lại lấy sách vở ra làm bài luôn. Cách đây 6 tháng, cháu phát hiện bị ung thư gan nhưng đã vào giai đoạn cuối nên không cứu được. Cả gia đình tôi vẫn giấu không nói, cứ động viên là con sắp khỏi rồi, sẽ lại đến trường với các bạn. Nên dù đau đớn thế, cháu vẫn gượng dậy ngồi học vì cháu nghỉ lâu rồi sợ đến lúc đi học lại sẽ không theo kịp các bạn”.
Dứt lời, chị lại ôm chặt con khóc nức nở. Tôi cảm nhận được nỗi đau quá lớn khiến chị không thể chịu đựng thêm được nữa khi nhắc đến bệnh tình của Thúy. Lấy tay xoa cái đầu nhẵn thín không một sợi tóc của con, trái tim của người mẹ lại như vỡ vụn ra tan nát.
Tôi cũng không biết làm sao để an ủi chị, chỉ biết ngồi cạnh nắm chặt lấy bàn tay bé nhỏ của em với hi vọng mong manh rằng tử thần đừng mang em đi khỏi thế giới này nhanh đến vậy. Nhìn gương mặt ngây thơ tím tái trong trạng thái ngất lịm, tôi cũng cảm nhận thật rõ ràng mình đang đau lắm.
Cô bé gầy gò với vẻ mặt đáng yêu chưa được bố mẹ thông báo tính trạng bệnh ung thư gan đã đến giai đoạn cuối.
Bố của Thúy - anh Lê Ngọc Chính cho biết, vào cuối tháng 11/2010 trong lúc đang ngồi học, Thúy bị một cơn đau bụng dữ dội. Nghi là bị ruột thừa nên gia đình lập tức đưa đến ngay bệnh viện Không quân (Hà Nội). Tại đây, các bác sĩ đã phát hiện ra Thúy bị u gan và chuyển sang viện Nhi Trung ương điều trị. Sau 4 lần điều trị hóa chất, Thúy được các bác sĩ chẩn đoán cần phẫu thuật để cắt bỏ khối u. Đáng tiếc là khi mổ ra thì khối u của em đã quá to lên đến 10cm, không thể cắt được nên phải khâu lại.
“Khối u to quá nên không cắt bỏ được bởi nếu cắt sẽ nguy hiểm đến tính mạng tức thì. Sau 2 lần tiếp tục truyền hóa chất, bác sĩ vẫn trả kết quả xét nghiệm là bản án tử cay nghiệt. Khối u to dần lên đến 12cm và di căn từ gan phải sang gan trái. Dù thương con lắm nhưng chúng tôi không biết làm sao, đành đưa con về nhà và hi vọng một phép màu...”, anh Chính nói trong xót xa.
Những ngày qua, không đành nhìn con ra đi, anh Chính lặn lội lên tận Hà Bắc, Hòa Bình… để bốc thuốc nam cho con với hi vọng “còn nước còn tát”. Là người đàn ông trụ cột trong gia đình, nhưng phải nhìn con gái bé bỏng sắp lìa xa cõi đời, anh Chính thấy như muôn nghìn mũi kim đâm vào tim can đau nhói.
“Giá như ông trời thương cho vợ chồng tôi được mang bệnh thay con, giá như có một phép màu để cứu con gái, giá như...”, lời anh Chính càng làm không gian trong căn nhà nhỏ thêm phần u ám, bức bối.
Những điểm 10 đỏ chót, những tờ giấy khen liệu có còn ý nghĩa?!
Từ ngày con bị bệnh, gia đình anh chị đã khó khăn nay lại càng thêm túng quẫn. Đều là công nhân của công ty dệt Hà Đông với mức lương eo hẹp 1,5 triệu đồng/ người/tháng, anh chị phải lo mọi chi tiêu cho 4 người. Bé Thúy ốm nặng, đứa con đầu đang chuẩn bị cho kỳ thi đại học đã cận kề, chị Thơm thì phải nghỉ làm không lương để ở nhà chăm sóc, gánh nặng đè lên đôi vai một mình anh Chính. “Khổ mấy, vất vả mấy tôi cũng cam lòng, chỉ cần nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt của những đứa con”, anh Chính khẳng định.
Ở một góc gần giường em Thúy nằm, tôi để ý ngay một tập giấy khen học sinh xuất sắc đều mang tên Lê Ngọc Thúy. Gần đây nhất em còn dành học bổng cho học sinh giỏi nhất khối, với phần thưởng là chiếc xe đạp và nhiều phần quà khác. Nhìn những thành tích em đạt được, tôi lại càng thương cho cô bé đang phải giành giật lấy sự sống từng giây, từng phút...
Thanh Mai - Theo Dân Trí