Câu lạc bộ tình nguyện Hòa Bình Xanh Việt Nam


Làm đủ nghề để theo đuổi ước mơ trở thành kỹ sư ôtô

    truyenthong
    truyenthong
    Cấp 13
    Cấp 13
    Tên thật Tên thật : Truyền Thông
    Đến từ Đến từ : Hà Nội

    Làm đủ nghề để theo đuổi ước mơ trở thành kỹ sư ôtô Empty Làm đủ nghề để theo đuổi ước mơ trở thành kỹ sư ôtô

    Bài gửi by truyenthong 21/6/2013, 10:44

    Tôi đã làm đủ thứ nghề, từ rửa bát đến trông xe, rồi làm lao công quét rác, làm anh xe ôm đến một người rửa xe thuê. Cứ sáng sáng tôi lên giảng đường, chiều tối đến, tôi lại đi làm tất cả mọi việc để lo cho việc học hành.

    Trải qua bao khó khăn và thử thách, cuối cùng, tôi cũng trở thành kỹ sư ôtô đúng như ước mơ thủa thơ ấu. Nhìn lại con đường tôi đã đi sao thật dài, thật gian nan và có biết bao chông gai. Nhưng tôi đã vượt qua được tất cả để biến ước mơ trở thành hiện thực nhờ vào sức mạnh tuổi trẻ, sức mạnh của niềm tin, sự chở che của gia đình và hơn hết, đó là tôi đã chọn đúng hướng đi trên con đường dẫn tới tương lai.

    Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo vùng ven biển, bốn bề quanh năm sóng vỗ. Tôi lớn lên cùng cánh đồng muối trắng dài bất tận và cái nắng chói chang, cái gió mặn chát của miền biển. Nơi ấy, cuộc sống nghèo khó nhưng thanh bình và yên ả đến lạ thường. Quê tôi không có những âm thanh náo nhiệt của người và xe, chỉ có tiếng sóng biển vỗ rì rào cùng những cơn gió lồng lộng thổi, chiều chiều vọng lại tiếng sáo diều vi vu cùng dăm ba câu trò chuyện của những người dân.

    Có lẽ chính vì sự bình dị ấy mà tôi cũng như bao đứa trẻ khác trong thôn luôn háo hức chờ đợi những chiếc xe ôtô đến kho chở muối. Bởi theo chúng tôi, đó là âm thanh náo nhiệt và sôi động nhất, nó làm cuộc sống miền quê thêm phần vui vẻ và phấn khích. Mỗi khi đoàn xe đến, tiếng nói cười của các bà các mẹ cùng tiếng hò hét của lũ trẻ chúng tôi làm náo động cả một vùng quê, không khí trở nên rộn ràng, nhộn nhịp khác thường.

    Đối với người lớn, chiếc xe đến mang bao niềm vui. Bởi khi ấy, họ sẽ bán được thật nhiều muối, thu kết quả về sau bao ngày làm việc cực nhọc. Và hôm ấy, chắc chắn bữa cơm trong mỗi gia đình sẽ được cải thiện. Còn với lũ trẻ chúng tôi thì đơn giản hơn, đó là có những giây phút hò hét, đùa nghịch bên cạnh chiếc ôtô.

    Tôi nhớ mãi cảnh tượng những đứa trẻ mặt mũi đen thui, chân tay lấm lem chạy sau chiếc xe ôtô đang đi chầm chậm mà hét lên: “Ôtô đến rồi! Ôtô đến rồi!”. Những ánh mắt trong veo của chúng ánh lên bao niềm háo hức và tò mò cứ xoáy vào chiếc xe đã in sâu vào tâm trí tôi cho đến tận bây giờ.
    Làm đủ nghề để theo đuổi ước mơ trở thành kỹ sư ôtô Lap-rap-o-to-10
    Tôi cố học thật giỏi để trở thành kỹ sư lắp ráp ô tô. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.
    Ngày ấy, tôi luôn ao ước biết được trong cabin kia chứa đựng những điều gì. Tôi luôn là đứa trẻ đứng thật lâu chỉ để nhìn một cái “vòng tròn ngộ ngộ hay hay” mà lớn lên, tôi mới biết đó cái vô lăng. Tôi luôn muốn được một lần khám phá chiếc ôtô ấy để tìm ra những điều kỳ diệu, để biết được tại sao nó lại làm chúng tôi thích thú đến như vậy.

    Ước mơ của tôi được hình thành từ ngày ấy. Hình ảnh chiếc xe muối chở niềm vui đến, những gương mặt khắc khổ, lam lũ của người dân quê tôi cùng ánh mắt trong veo và tiếng cười giòn tan của trẻ thơ đã tạo lên trong tôi một ước mơ cháy bỏng, tôi muốn trở thành một kỹ sư ôtô. Bởi tôi muốn mang thật nhiều tiếng cười về cho miền quê nghèo ấy, tôi muốn thoát khỏi cuộc sống lam lũ và cực khổ mà bao đời nay người dân quê tôi đã trải qua.

    Chính những điều đó đã tạo lên trong tôi lòng quyết tâm và một niềm tin mãnh liệt, tôi sẽ thực hiện được ước mơ cháy bỏng ấy. Và tôi biết rằng, con đường duy nhất, gần với ước mơ của tôi nhất chỉ có con đường học tập, có học tập thì tôi mới thực hiện được ước mơ của mình.

    Nhưng đó lại là một con đường vô cùng khó khăn với tôi. Bởi gia đình tôi nghèo, bữa ăn, cái mặc còn túng thiếu thì nói gì đến chuyện học hành. Mà hơn hết, nghề làm muối đã là nghề gia truyền bao đời nay của gia đình tôi, nên không nói ra chúng tôi đều ngầm hiểu, sau này anh em tôi sẽ nối tiếp cái nghề khai thác “vàng trắng” từ thiên nhiên này.

    Tôi biết rằng, trong thâm tâm bố mẹ luôn muốn con cái được học hành đến nơi đến chốn. Nhưng lực bất tòng tâm, lo cho một đàn con có được miếng ăn và tấm áo mặc đã là một cố gắng rất lớn. Nên dù cố gắng đến đâu, các anh tôi chỉ được học hết lớp 9, còn tôi và hai đứa em cũng có thể phải theo bước hai anh.

    Chẳng lẽ tôi lại phải bỏ dở ước mơ ấy sao? Dù chỉ là cậu nhóc lớp 9, nhưng mỗi khi nghĩ đến cảnh phải bỏ học, phải từ bỏ ước mơ của mình, lòng tôi lại dấy lên một niềm xót xa khó tả. Nhưng nếu không từ bỏ, tôi sẽ phải làm như thế nào để tiếp tục con đường học hành? Tôi bước vào giảng đường đại học bằng cách nào đây? Biết bao câu hỏi và suy nghĩ cứ bao vây lấy tâm trí tôi, nhưng chính trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó, tôi đã tìm ra con đường đi của riêng mình.

    Rồi tôi trở thành đứa trẻ đầu tiên ở làng quê nghèo ấy bước chân được vào cổng trường trung học phổ thông. Tôi phải chấp nhận bước đi trên một con đường gian nan và vất vả, đó là vừa học để thực hiện ước mơ của mình, vừa lao động để nuôi dưỡng chính ước mơ đó.

    Ngày ấy, mỗi khi nhìn thằng bé đen nhẻm, gầy gò đi trên chiếc xe cà tàng, vượt hơn chục cây số đến trường, mắt ai cũng phải ánh lên một niềm thương cảm xót xa. Thằng bé ấy là tôi, cứ 4h sáng lại theo gia đình ra cánh đồng muối làm việc, đến sáu giờ lại vội vã đạp xe đến trường. Rồi chiều về, dưới cái nắng gay gắt của vùng biển, tôi lại hăng say cùng bố mẹ thu hoạch những hạt muối trắng. Tối tối, tôi lại miệt mài học tập bên trang sách.

    Có những khi tôi tưởng mình không vượt qua được khó khăn trước mắt. Đã bao lần tôi nản chí khi chiếc xe cà tàng của tôi bị hỏng ngang đường, bị trễ giờ học. Nhiều lần, tôi vừa phải vác xe, vừa phải chống chọi với cái nắng gay gắt như đổ lửa, từng giọt mồ hôi tuôn rơi và ướt đẫm lưng áo. Rồi có lúc, tưởng chừng tôi bị gục ngã bởi sự mệt mỏi, bởi những cơn buồn ngủ ập đến khi tôi ngồi học bài.

    Nhưng có những điều giản dị khác đã giúp tôi vượt qua khó khăn khi ấy. Đó là sự động viên của mẹ, là ánh mắt tự hào của bố khi nhắc đến thằng bé ham học và chịu khó, rồi nụ cười mãn nguyện của bố mẹ khi tôi đạt học sinh giỏi. Tất cả tạo lên một luồng sức mạnh khiến tôi có đủ dũng cảm để bước tiếp trên con đường đầy chông gai.

    Cứ như thế, ba năm học cấp ba của tôi trôi qua nhanh chóng. Mùa thi năm ấy, tôi nộp một hồ sơ vào khoa cơ khí của ĐH Bách khoa Hà Nội và một hồ sơ vào khoa Công nghệ ôtô của trường cao đẳng Công nghiệp Hà Nội. Ngày tôi đi thi, bố dẫn tôi lên đường, mẹ tiễn tôi với giọt nước mắt mặn đắng và gửi theo niềm hy vọng tôi sẽ thành công.

    Nhưng rồi tôi chỉ đậu vào trường cao đẳng mà không đủ điểm vào trường đại học. Dẫu có buồn chán song vì ước mơ, tôi vẫn quyết định đi học cao đẳng và đi theo đường vòng để trở thành kỹ sư. Mặc dù vậy, tôi nhập học trong niềm vui hân hoan của gia đình, họ hàng, và làng xóm. Những ngày đầu tiên xa gia đình, xa miền quê yên ả để sống trong một đô thị phồn hoa, nhộn nhịp, thực sự là một khó khăn đối với tôi. Lúc nào trong lòng tôi cũng dấy lên một nỗi nhớ nhà da diết. 

    Tôi nhớ khuôn mặt gầy sạm khắc khổ vì nắng gió của bố, nhớ dáng người nhỏ nhắn lam lũ của mẹ, nhớ ánh mắt ngây thơ hồn nhiên của các em. Tôi không còn được nghe tiếng sóng biển vỗ rì rào mỗi ngày, không được tắm mát dưới dòng nước trong xanh của biển. Thay vào đó, tôi phải sống trong sự bon chen của cuộc sống thành phố, phải mưu sinh bươn chải để có đủ tiền nộp học, tiền nhà, tiền ăn. Tất cả là một gánh nặng đổ xuống đôi vai gầy của tôi.

    Những ngày tháng cơ cực ấy không thể nào phai mờ được trong tâm trí tôi. Tôi đã làm đủ thứ nghề từ rửa bát đến trông xe, rồi làm lao công quét rác, làm anh xe ôm đến một người rửa xe thuê. Cứ sáng sáng tôi lên giảng đường, chiều tối đến, tôi lại đi làm tất cả mọi việc để mong có được đồng tiền lo cho việc học hành và cuộc sống của bản thân. Chỉ khi đêm về, trong căn phòng trọ tồi tàn, tôi mới có thời gian học bài và không gian cho riêng mình.

    Trong cuộc đời, tôi sẽ nhớ mãi những ánh mắt thương hại lẫn dè bỉu của người khác khi thấy tôi, một thằng con trai ngồi cặm cụi rửa bát. Rồi những câu nói cay độc của bà chủ quán ăn khi tôi làm mất chiếc xe đạp của khách hàng. Tôi nhớ những giọt nước mắt thương xót của mẹ khi nhìn đứa con trai của mình phải vất vả bươn chải mưu sinh. Tôi không thể quên những trận đòn thừa sống thiếu chết ở bến xe khi họ tranh giành khách đi xe với tôi. Tất cả đã tạo nên một con người tôi mạnh mẽ hơn, chững chạc và cứng rắn.

    Kết thúc ba năm học cao đẳng, tôi lại tiếp tục học liên thông lên đại học. Và giờ đây, tôi đã trở thành kỹ sư ôtô. Tôi đã chạm tay được vào ước mơ tưởng như xa vời của mình. Vẫn còn rất nhiều khó khăn và thách thức đang chờ đợi tôi ở phía trước, nhưng tôi sẽ cố gắng vượt qua tất cả để gặt hái thành công.
    Có một câu nói của Steve Jobs mà tôi rất tâm đắc: “Đừng để mình vướng vào những giáo điều, suy nghĩ theo những lối mòn mà người khác đã vạch sẵn. Đừng để ý kiến của mọi người át đi tiếng nói sâu thẳm trong tâm hồn bạn. Và quan trọng nhất là hãy tin theo trái tim và trực giác, những thứ biết được bạn thực sự muốn làm gì. Mọi thứ còn lại chỉ là thứ yếu mà thôi”. Và tôi tin rằng, câu nói đó là món quà dành cho những người có ước mơ, dám sống, dám làm và đi trên chính đôi chân của mình.


    Phạm Việt Tiệp