Câu lạc bộ tình nguyện Hòa Bình Xanh Việt Nam


Chuyện về một người tật nguyền cưu mang nhiều số phận kém may mắn

    phamtuananh9x
    phamtuananh9x
    Admin
    Admin
    Tên thật Tên thật : Phạm Tuấn Anh
    Đến từ Đến từ : Hà Nội

    Chuyện về một người tật nguyền cưu mang nhiều số phận kém may mắn Empty Chuyện về một người tật nguyền cưu mang nhiều số phận kém may mắn

    Bài gửi by phamtuananh9x 3/8/2013, 01:43

    Bản thân bị căn bệnh quái ác, liệt nửa người nhưng vẫn gắng vượt qua nghịch cảnh đời thường, học hành để trở thành ông chủ hiệu ảnh áo cưới lớn nhất vùng quê lúa. Không chỉ tìm được hạnh phúc cho riêng mình, từ nhiều năm nay anh còn cưu mang, giúp đỡ và nhận truyền nghề miễn phí cho nhiều trẻ tật nguyền trên địa bàn. Anh là Phạm Văn Tuấn (35 tuổi) ở xóm Mõ, xã Phúc Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An).



    Vượt qua nghịch cảnh bản thân


    Phạm Văn Tuấn sinh ra trong gia đình nghèo có 6 anh chị em. Tuổi thơ lành lặn như bao đứa trẻ khác, song năm đang học dở lớp 11, cơn đau bất ngờ đã đánh gục anh. Không chỉ đau thông thường, lúc phải nhập viện, bản thân như chết ngất khi các bác sĩ cho biết anh bị viêm đa khớp cấp tính, tỷ lệ chữa khỏi là rất mong manh, phải nhập viện điều trị.


    Thương con, bố mẹ đã bán sạch gia sản để ra Hà Nội những mong phẫu thuật cho con, nhưng mọi nỗ lực đều bất thành. Tuấn trở về với thân hình tàn tạ, đôi chân teo tóp nhanh đến không ngờ, không đi lại được. Tệ hơn nữa là xương sống lưng bị bệnh về đĩa đệm, phải nằm một chỗ. Nghị lực sống đã chiến thắng, Tuấn không chỉ giành cho mình quyền được sống, trong quãng thời gian ngắt quãng giữa các cơn đau hành hạ, Tuấn đã hoàn thành xong chương trình trung học phổ thông.
    Sau đó, Tuấn khăn gói vào thành phố Vinh, tìm đến trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật, xin học nghề photoshop, chụp ảnh nghệ thuật và trở về quê nhà mở cơ sở chụp ảnh cưới. Nghị lực của Tuấn đã khiến cho nhiều người biết đến và nể phục. Tại đây, anh không chỉ nên duyên với cô gái làng xinh xắn Cao Thị Phương (27 tuổi) mà còn được mọi người tán dương bằng việc làm đầy nhân ái, ấy là nhận dạy nghề cho những đứa trẻ bị khuyết tật vận động trên địa bàn.


    Phương là một cô gái làng bên lành lặn, xinh xắn. Khi nghe danh bồ tát của Tuấn, em đã tự nguyện tìm đến cơ sở nhỏ này xin được học nghề trang điểm cô dâu. Nhưng đó chỉ là cái cớ để cô ngày ngày tiếp cận, chăm sóc Tuấn, người mà cô rất ngưỡng mộ. Sau gần một năm bên nhau, tình yêu chân thành và mãnh liệt của cô gái nhỏ đã làm lay động trái tim Tuấn, dù mặc cảm thân phận, anh đã nhiều lần chạy trốn tình cảm.



    Chuyện về một người tật nguyền cưu mang nhiều số phận kém may mắn 22_anh97-400
    Anh Tuấn đang hướng dẫn các em học nghề trên máy tính.



    Năm 2008, đám cưới “kỳ lạ” nhất quê lúa diễn ra, hàng trăm vị khách không mời kéo đến chúc phúc. Giờ, sau 5 năm hạnh phúc bên nhau, hai anh chị đã có một cậu nhóc, năm nay bước vào lớp 1 và đang chuẩn bị chào đón đứa thứ 2. Kỳ diệu hơn là từ sau khi cưới vợ, Tuấn đã tự mình tập đi và đến nay, anh đã từ giã chiếc xe lăn, dù bước chân lúc nào cũng nghiêng nghiêng, xiêu vẹo. Hiện, cơ sở ảnh cưới mang tên “Tuấn Hello” của vợ chồng anh đang nhận dạy nghề cho 9 người, 7 trong số đó là người tật nguyền, phải ngồi xe lăn. Mọi cái, từ ăn ở đến máy móc thiết bị dùng cho quá trình học, vợ chồng Tuấn tự bỏ tiền ra mua sắm cho các em học nghề.


    Ươm mầm xanh cho những mảnh đời bất hạnh


    Là người cùng hoàn cảnh, em Phạm Thị Phương (26 tuổi) trú tại xã Phúc Thành (Yên Thành) sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, gia đình có 4 chị em, Phương là chị cả trong gia đình. Bố Phương mất khi Phương mới hơn 7 tuổi, nên học hết cấp 2, Phương vì thương mẹ nên đã khăn gói vào Nam làm công nhân góp tiền gửi về đỡ đần mẹ và các em đi học.
    Làm công nhân được ít năm, Phương cũng tích cóp được ít vốn tính về quê học nghề gì đó để làm ăn ở quê đỡ vất vả lại gần mẹ và các em. Nhưng dự định đó chưa được thực hiện thì em mắc chứng đau liệt phần chi dưới. Ban đầu nghĩ đau bình thường không đi khám, sau chịu không thấu, em  nghỉ làm về quê, được mẹ đưa đi khám và được xác định bị chứng bệnh viêm tủy cắt ngang, một căn bệnh hiếm gặp. Bao nhiêu vốn liếng tiền của tích cóp của Phương cũng hết, tài sản trong nhà cũng đội nón ra đi nhưng rốt cục, Phương vẫn phải gắn chặt phần đời còn lại của mình với chiếc xe lăn.


    Một mảnh đời khác là em Nguyễn Thị Hảo (25 tuổi), người cùng xã, sinh ra khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác, cắp sách tới trường với những ước mơ của cô bé đeo khăn quàng đỏ. Bi kịch đổ xuống cuộc đời của Hảo năm em đang học lớp 7, khi cơn đau xuất hiện, đến viện khám em được kết luận là căn bệnh quái ác viêm tủy. Cũng như Phương, ngay từ khi biết mình bệnh tật hiểm nghèo, Hảo bi quan tột độ, sống thu mình.


    Biết được hoàn cảnh bi đát của hai em, anh Phạm Văn Tuấn đã tìm đến, động viên. Sau khi làm công tác trấn an tư tưởng cho các em vui sống, vào đầu tháng 3/2013, Tuấn và những người bạn của mình đã quyết định tìm mượn một căn nhà không sử dụng đến của một người dân trong xóm sửa sang lại để những người cùng hoàn cảnh tàn tật như mình tới đây sinh hoạt và dạy học Photoshop.


    Một trường hợp khác là em Nguyễn Văn Nhất (16 tuổi), quê xã Đồng Thành. Nhất có bố là bộ đội trở về sau chiến tranh nên đã bị nhiễm chất độc da cam/dioxin từ lúc mới lọt lòng. Hai người anh kế em cũng chung số phận. Nhất được cái thông minh, chân tay co quắp nhưng đầu óc tỉnh táo, lúc nào cũng nằng nặc đòi bố mẹ chở đi học. Biết được hoàn cảnh của em, anh Tuấn đã về tận nhà xin phép bố mẹ đón Nhất đến cơ sở của mình để dạy nghề. Khổ nỗi, mọi sinh hoạt cá nhân Nhất đều không tự làm được nên thương con, ngày hai buổi, bố mẹ Nhất lại thay phiên nhau đạp xe gần 10 cây số đến để chăm sóc con.


    Để có chỗ cho các em sinh hoạt hằng ngày và học tập, nghỉ ngơi, vợ chồng anh Phạm Văn Tuấn đã thuê nguyên một căn nhà của một người dân trong xã. Mỗi ngày, sau giờ học trên máy là khoảng thời gian các em sinh hoạt, vui chơi với nhau để tìm thấy sự sẻ chia, đồng cảm. Nói về việc làm của mình, Tuấn cho biết: “Thực sự, bản thân mình ấp ủ việc cưu mang các em đã lâu nhưng không có vốn nên đành chịu. Mình là người cùng cảnh ngộ nên mình hiểu rõ các em cần gì, thiếu gì nên giúp đỡ các em, tạo cơ hội để các em vượt qua mặc cảm, hòa nhập với mọi người xung quanh”.


    Cần thêm sự chung tay


    Hiện tại, anh Phạm Văn Tuấn đang cưu mang, dạy dỗ cho 7 em tật nguyền, có hoàn cảnh gia đình khó khăn trên địa bàn huyện Yên Thành. Đó là các em Nguyễn Thị Hảo, Phạm Thị Phương, Trần Văn Tài, Lê Thị Lân và Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Văn Nhất và Hoàng Thị Hà. Các em đồng cảnh ngộ, được sống chung dưới một mái nhà nên dễ hiểu, thông cảm cho nhau.
    “Được anh Tuấn đưa về đây ở và dạy học như thế này thật sự là em không dám nghĩ đến. Giờ được như vậy rồi, em sẽ cố gắng học tập thật tốt, chỉ mong muốn sau này mình có một việc làm, có thêm thu nhập để không làm phiền gia đình bố mẹ và xã hội. Vào học rồi, không còn thời gian nghĩ ngợi tiêu cực như trước nữa mà tập trung cho việc học thật giỏi để có thể kiếm tiền nuôi sống bản thân”, em Hảo xúc động cho biết.
    Được biết, phần lớn các em đều bị liệt nửa người nên hằng ngày, việc ăn uống, sinh hoạt được mẹ trong số các bạn đến chăm sóc, còn Tuấn vẫn bận rộn với công việc của mình là chụp ảnh cưới, chỉnh sửa ảnh cưới, ảnh sinh nhật, mừng lão… để có thêm tiền chu cấp cho các em trong sinh hoạt và học hành.


    Để làm được việc này, Tuấn đã nhận được sự giúp sức rất nhiều của những người bạn cùng đồng hành với anh, ai có của thì giúp của, không có của thì động viên an ủi để Tuấn tiếp tục hăng say làm việc và dạy những người bạn thiệt thòi cùng cảnh ngộ này. Một người quan trọng đồng sức đồng lòng cùng với Tuấn suốt quãng đời là người học trò, người mẹ của hai đứa trẻ con anh là vợ anh, chị Cao Thị Phương.


    Ngoài ra, hiệu ảnh của Tuấn còn nhận dạy nghề chụp ảnh cưới, đây cũng là một nguồn kinh phí để Tuấn có thể giúp đỡ chi phí cuộc sống hằng ngày, trang bị thêm máy móc thiết bị để 5 người bạn trong ngôi nhà nhỏ có điều kiện học tốt hơn. Qua một thời gian đào tạo nghề, 5 em nhỏ với nỗ lực của bản thân tiếp thu rất nhanh, đã có thể giúp vợ chồng anh Tuấn chị Phương một số việc phụ, nhất là trong giai đoạn anh chị đang tất bật chuẩn bị cho đứa bé thứ 2 chào đời.


    Phạm Văn Tuấn cũng mừng rỡ cho biết, đầu tháng 6 vừa qua, cửa tiệm ảnh viện áo cưới được đầu tư gần 300 triệu do Phạm Thị Phương và một người bạn khác, là học trò do anh đào tạo trong gần 3 năm qua đã khai trương tại thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu. Nhiều năm gắn bó, là người có tay nghề nhưng anh Tuấn đã khuyến khích Phương tự lập.


    Chia sẻ với tôi, Phạm Anh Tuấn không hề giấu giếm về việc ấp ủ tham vọng sau này có vốn sẽ đầu tư để mở ngôi trường dành cho những người khuyết tật. Anh không muốn chỉ giúp đỡ được các em thiếu may mắn ở địa phương mà còn vươn xa cả khu vực, nơi nào có người tật nguyền là anh lại dấy lên lòng thương cảm vô bờ bến.


    Xuất phát từ hoàn cảnh của bản thân, Tuấn muốn trao cho các em một cơ hội để khẳng định mình, để các em vươn lên, hòa nhập với mọi người xung quanh. Ước mơ ấy, đã theo anh từ lúc nghiệp chướng vướng vào đời, và chắc sẽ không mệt mỏi mà từ bỏ nó.





    Ông Đinh Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Phúc Thành chia sẻ: “Từ trước đến nay địa phương luôn ủng hộ những việc làm của Tuấn. Địa phương đang cố gắng hết sức để tạo điều kiện ủng hộ Tuấn làm việc thiện như thế. Hiếm có một con người nào rơi vào hoàn cảnh như Tuấn có thể đứng lên gây dựng được cuộc sống lại còn giúp đỡ những người chung hoàn cảnh như mình.
    Địa phương ghi nhận công lao của Tuấn và cùng với đó cũng góp sức. Chúng tôi cũng mong muốn có được sự giúp đỡ của cộng đồng, những người hảo tâm để Phạm Anh Tuấn có thêm kinh phí nhân rộng việc làm này ra đến với nhiều người nhiều hoàn cảnh của địa phương”.
     
    Theo Công an nhân dân